Tối 5/7 vừa qua, nhiều người dân sống tại các thành phố ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ như Istanbul, Bursa, Sakarya, Kocaeli… đã rất kinh ngạc khi chứng kiến một vệt sáng xanh lóe sáng trên bầu trời đêm.
Những hình ảnh, video về vệt sáng bí ẩn này đã được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội tại Thổ Nhĩ Kỳ, gây nên những tranh cãi và suy luận về sự thật đằng sau vệt sáng.
Nhiều ý kiến cho rằng ánh sáng này là từ một tên lửa nào đó vừa được phóng lên quỹ đạo, trong khi đó nhiều người lại cho rằng đây là ánh sáng gây ra do một mảnh vệ tinh rơi xuống Trái Đất.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng ánh sáng này bắt nguồn từ đĩa bay của người ngoài hành tinh.
Mới đây, Cơ quan Không gian Thổ Nhĩ Kỳ (TUA) đã có lời giải đáp. Theo đại diện của TUA, ánh sáng này do một thiên thạch bay qua bầu khí quyển của Trái Đất gây ra.
"Khi những viên đá từ ngoài không gian bay qua bầu khí quyển, chúng sẽ bị đốt cháy do ma sát với khí quyển của Trái Đất. Tốc độ di chuyển và thành phần hóa học của thiên thạch sẽ ảnh hưởng đến màu sắc và độ sáng của nó khi bị đốt cháy trong quá trình di chuyển qua bầu khí quyển", đại diện của TUA cho biết.
Các nhà khoa học cho biết thiên thạch có thể tạo ra màu sắc rực rỡ và ánh sáng lớn khi bay qua bầu khí quyển nếu nó đủ lớn và giải phóng nhiều năng lượng.
Hàm lượng kim loại sẽ quyết định đến màu sắc của thiên thạch, trong đó xanh lục là màu điển hình của thiên thạch chứa kim loại sắt và niken. Đây cũng là màu sắc phổ biến nhất khi thiên thạch bị đốt cháy trong quá trình bay qua bầu khí quyển.
Sự khác biệt giữa thiên thạch và vẫn thạch là gì?
Thiên thạch là một khái niệm quen thuộc với nhiều người, nhưng vẫn thạch có lẽ là một khái niệm còn khá xa lạ.
Về cơ bản, vẫn thạch và thiên thạch đều là những mảnh vụn không gian rơi xuống Trái Đất. Chúng là mảnh vỡ từ các tiểu hành tinh, sao chổi hoặc các vật thể khác trong hệ Mặt Trời.
Nhưng tại sao chúng lại được gọi bằng những cái tên khác nhau?
Thông thường, thiên thạch khi đi qua bầu khí quyển của Trái Đất sẽ bị đốt cháy hết do ma sát, tạo nên các vệt sáng trên bầu trời mà chúng ta vẫn gọi là sao băng. Trong trường hợp các mảnh thiên thạch có kích thước lớn, chúng sẽ không bị đốt cháy hết và tiếp tục lao về Trái Đất, gây ra va chạm với bề mặt địa cầu.
Những gì còn sót lại của thiên thạch và xảy ra va chạm với Trái Đất được gọi là vẫn thạch. Kích thước của vẫn thạch có thể chỉ từ vài milimét đến vài mét. Khối vẫn thạch lớn nhất từng được ghi nhận tại Trái Đất được tìm thấy tại Namibia. Khối vẫn thạch này có kích thước 2,7 x 2,7 x 0,9m và nặng đến 60 tấn.
Vẫn thạch không chỉ được tìm thấy trên Trái Đất mà còn tìm thấy trên bề mặt Sao Hỏa và Mặt Trăng.
Vẫn thạch cung cấp cho các nhà khoa học những thông tin quý giá về quá trình hình thành và phát triển của hệ Mặt Trời. Nghiên cứu vẫn thạch có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về nguồn gốc và thành phần của các vật liệu trong không gian, thậm chí có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.
Theo
ScienceTimes/X