Trong một khám phá đầu tiên thuộc thể loại này, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Yakutia (Nga) cho biết họ đã tìm thấy xác một con sói cổ đại hoàn chỉnh, bị nhốt hơn 44.000 năm bên dưới lớp băng vĩnh cửu ở Siberia.
Đây là con sói trưởng thành hoàn chỉnh đầu tiên có niên đại từ cuối thế Pleistocene (2,6 triệu đến 11.700 năm trước), được phát hiện bên một con sông băng ở Cộng hòa Sakha (Yakutia).
Những bức ảnh từ cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy xác ướp của con sói lộ ra với độ chi tiết tinh xảo.
Các nhà khoa học cho biết, xác động vật có thể được bảo quản trong tình trạng tốt thông qua kiểu ướp xác trong điều kiện lạnh và khô, lý tưởng nhất là bên dưới lớp băng vĩnh cửu.
Trong điều kiện này, các mô mềm bên trong xác rơi vào tình trạng mất nước, khiến toàn bộ cơ thể được bảo quản trong một dạng "viên nang" thời gian.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện lấy mẫu cơ quan nội tạng và đường tiêu hóa của con sói để phát hiện các loại virus và hệ vi sinh vật cổ xưa, đồng thời tìm hiểu chế độ ăn của nó trước khi chết.
Albert Protopopov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hệ động vật voi ma mút của Viện Hàn lâm Khoa học Yakutia, cho biết, dạ dày của con sói được bảo quản ở dạng biệt lập, không có chất gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, nhà khoa học này nhấn mạnh rằng họ không loại trừ các loại virus cổ xưa mà con sói có thể mang theo.
"Đây là một khía cạnh quan trọng khác của việc khám nghiệm tử thi. Trong những phát hiện về động vật hóa thạch, vi khuẩn sống có thể tồn tại hàng nghìn năm", Protopopov cho biết.
Ông cho biết dự án nghiên cứu sẽ hỗ trợ, mang lại hiểu biết về các cộng đồng vi sinh vật cổ xưa và vai trò của vi khuẩn có hại trong thời kỳ này.
Từ đó, các vi sinh vật có thể được sử dụng trong y học và công nghệ sinh học như một dạng hoạt chất có lợi.
Việc khám nghiệm tử thi sói là một phần của dự án đang được thực hiện nhằm nghiên cứu động vật hoang dã sống trong khu vực trong Thế Pleistocen.
Các loài khác được kiểm tra gồm thỏ, ngựa và gấu từ thế Holocene.
Theo
www.livescience.com