Nhà thiết kế máy bay Claude Dornier, người sáng lập công ty Đức Dornier, lên ý tưởng về Do X vào cuối năm 1925. Sau hơn 240.000 giờ làm việc, chiếc thuyền bay đã được hoàn thành vào tháng 6/1929. Đây là mẫu máy bay một tầng cánh, phần thân làm hoàn toàn bằng hợp kim nhôm duralumin, cánh làm từ khung duralumin gia cố bằng thép, bọc trong vải lanh dày và phủ sơn nhôm. Máy bay dài 40 m và có sải cánh 48 m.
Ban đầu, Do X trang bị 12 động cơ Bristol Jupiter công suất 391 kW. Tuy nhiên, chúng dễ bị quá nhiệt và gần như không thể đưa Do X lên độ cao 425 m. Các động cơ do một kỹ sư bay kiểm soát. Phi công sẽ chuyển tiếp yêu cầu cho kỹ sư để điều chỉnh năng lượng theo cách tương tự hệ thống trên các tàu thủy sử dụng khẩu lệnh máy. Nhiều đặc điểm của Do X phản ánh thiết kế hàng hải thời đó, bao gồm cả buồng lái trông rất giống buồng lái của tàu thủy.
Sau khi hoàn thành 103 chuyến bay, năm 1930, Do X được trang bị lại động cơ Curtiss V-1570 Conqueror công suất 455 kW. Nhờ đó, nó có thể đạt tới độ cao 500 m cần thiết để vượt Đại Tây Dương.
Không gian sang trọng dành cho hành khách của Do X tiệm cận tiêu chuẩn của những con tàu xuyên Đại Tây Dương. Tàu có ba boong. Trên boong chính là phòng hút thuốc với quầy bar riêng, phòng ăn, chỗ ngồi cho 66 hành khách có thể chuyển đổi thành giường ngủ cho những chuyến bay đêm. Phía cuối không gian dành cho hành khách là bếp, nhà vệ sinh và khoang chứa hàng. Buồng lái, phòng điều hướng, điều khiển động cơ và phòng vô tuyến điện nằm ở boong trên. Trong khi đó, boong dưới chứa các thùng nhiên liệu và 9 khoang kín nước, chỉ cần 7 khoang trong số đó là đủ để thuyền bay nổi hoàn toàn.
Tổng cộng có ba chiếc Do X được chế tạo, chiếc đầu tiên do Dornier vận hành, hai chiếc sau - Do X2 và Do X3 - được sản xuất theo theo đơn đặt hàng từ Italy.
Do X thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 12/7/1929 với phi hành đoàn 14 người. Trong chuyến bay thử nghiệm thứ 70 vào ngày 21/10, có tới 169 người trên máy bay, trong đó 150 người là hành khách (chủ yếu là công nhân cùng gia đình và một số nhà báo), 10 người là thành viên phi hành đoàn và 9 người đi lậu vé.
Chuyến bay lập kỷ lục thế giới mới về số lượng người được vận chuyển trên một chuyến bay. Kỷ lục này tồn tại suốt 20 năm. Sau 50 giây chạy đà, Do X dần dần leo lên độ cao 200 m. Hành khách được yêu cầu tập trung sang bên này hoặc bên kia để giúp máy bay chuyển hướng. Nó đã bay khoảng 40 phút.
Để gây ấn tượng với thị trường tiềm năng Mỹ, Do X cất cánh từ Friedrichshafen, Đức, vào ngày 3/11/1930, dưới sự chỉ huy của Friedrich Christiansen cho chuyến bay thử nghiệm xuyên Đại Tây Dương đến New York. Hành trình này đưa máy bay đến Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng bị gián đoạn tại Lisbon ngày 29/11, khi một tấm bạt tiếp xúc với ống xả nóng và bốc cháy, thiêu rụi phần lớn cánh trái.
Do X dừng ở cảng Lisbon trong 6 tuần để sửa chữa, sau đó tiếp tục gặp một số sự cố dọc theo bờ biển phía Tây châu Phi. Ngày 5/6/1931, thuyền bay đến quần đảo Cape Verde rồi vượt đại dương tới Natal, Brazil. Nó tiếp tục bay về phía bắc qua San Juan, cuối cùng tới New York, Mỹ, ngày 27/8/1931, gần 10 tháng sau khi rời Friedrichshafen. Do X cùng phi hành đoàn đã dành 9 tháng tiếp theo ở lại New York để đại tu các động cơ.
Cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch marketing của Dornier cho Do X. Máy bay rời New York ngày 21/5/1932, qua Newfoundland và Azores đến Müggelsee, Berlin. Nó hạ cánh tại Berlin ngày 24/5 và được đám đông 200.000 người chào đón.
Do X được chuyển giao cho hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa sau khi Dornier gặp khó khăn về tài chính và không thể tiếp tục vận hành chiếc thuyền bay. Sau chuyến bay thành công tới các thành phố ven biển Đức năm 1932, Lufthansa lên kế hoạch cho Do X bay tới Vienna, Budapest và Istanbul vào năm 1933. Tuy nhiên, cuộc hành trình kết thúc chỉ sau 9 ngày do phần đuôi của chiếc thuyền bay bị rách trong một lần hạ cánh không thuận lợi xuống hồ nước gần Passau.
Do X trở thành vật trưng bày cho đến khi bị phá hủy trong Thế chiến II. Các mảnh vỡ của phần đuôi rách được trưng bày tại Bảo tàng Dornier ở Friedrichshafen. Dù không thành công về mặt thương mại, Do X vẫn là thuyền bay lớn nhất thế giới cách đây gần 100 năm, giúp chứng minh tiềm năng của dịch vụ chở khách quốc tế bằng đường hàng không.
Thu Thảo (Theo Rare Historical Photos)