Những tượng đất nung nổi tiếng chỉ là một phần trong lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc, người trị vì từ năm 221 đến năm 210 trước Công nguyên. Trên thực tế, tổ hợp nằm cách thành phố Tây An ở tây bắc Trung Quốc 30 km về phía đông, chứa hơn 400 ngôi mộ, bao phủ khu vực rộng 60 km2. Hơn 500.000 thợ làm việc ở đó suốt 38 năm, theo kế hoạch chi tiết nhằm mô phỏng toàn bộ Trung Quốc, theo Labrujulaverde.
Buồng trung tâm, nơi đặt mộ của hoàng đế, không bao giờ được mở. Theo kiến nghị của các nhà khảo cổ làm việc tại di chỉ, chính phủ Trung Quốc không cho phép mở buồng này và kiểm tra cho tới khi có công nghệ để bảo vệ an toàn bất cứ thứ gì bên trong khỏi bị hư hỏng. Nhiều khả năng cần nhiều năm, thập kỷ hoặc thế kỷ để điều đó có thể xảy ra.
Những gì chúng ta biết về bố trí bên trong ngôi mộ là nhờ nhà sử học Tư Mã Thiên, nga đẻ của ngành sử học Trung Quốc sống từ năm 145 đến năm 86 trước Công nguyên. Bộ Sử ký được khởi xướng bởi cha ông là Tư Mã Đàm và được Tư Mã Thiên hoàn thành năm 91 trước Công nguyên, khoảng 5 năm trước khi ông qua đời. Tác phẩm kể về quá trình xây dựng lăng mộ, chôn chiến binh đất nung và cung cấp dữ liệu như số thợ tham gia công trình vĩ đại này.
Khi các sử gia phương Tây kiểm tra ghi chép của Tư Mã Thiên, họ tỏ ra hoài nghi tính xác thực của bộ Sử ký. Tuy nhiên, phát hiện khảo cổ trong vài thập kỷ gần đây xác nhận nhiều mô tả trong bộ Sử ký như chiến binh đất nung và vị trí các ngôi mộ. Ngày nay, những nhà khảo cổ lưu ý tới ghi chép của Tư Mã Thiên đến mức họ không dám mở ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng.
Tuy không ai biết chính xác có gì bên trong mộ, theo Tư Mã Thiên, trong cung điện lớn hơn cả sân bóng đá dưới lòng đất, có bản sao thu nhỏ của Trung Quốc thời đó, bao gồm hơn 100 dòng sông, hồ nước và biển. Trong thế giới thu nhỏ này, một lượng lớn thủy ngân được sử dụng thay cho nước để mô phỏng dòng chảy của sông ngòi.
Vào thập niên 1980, nhóm nghiên cứu ở Viện khám phá địa vật lý và địa hóa học Trung Quốc phát hiện đất xung quanh ngôi mộ chứa nồng độ thủy ngân cao hơn đáng kể do với khu vực xung quanh. Trong khi ở những nơi hẻo lánh, đất thường chứa trung bình 30 ppb (phần tỷ) thủy ngân, mức trung bình trong lăng mộ là 250 ppb, thậm chí cao tới 1.500 ppb ở một số chỗ. Nhiều nhà khảo cổ làm việc tại di chỉ cho rằng sông thủy ngân có khả năng tồn tại. Đặc biệt, các kiểm tra cuối cùng nhằm đo điện trở suất của đất hé lộ một đặc điểm địa hình thú vị. Dị thường pha xảy ra khi dòng điện được phản chiếu bởi một bề mặt dẫn điện như kim loại.
Ngoài ra, phân tích sự phân bố của lượng thủy ngân hé lộ nồng độ cao nhất ở phía đông bắc và phía nam, trong khi góc phía tây bắc có nồng độ rất thấp. Kết quả đối chiếu sự phân bố này trên bản đồ Trung Quốc trùng với vị trí hai dòng sông lớn là sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, có thể nhìn thấy từ kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, cách lăng mộ khoảng 30 km.
Theo Yinglan Zhang, người chỉ đạo các cuộc khai quật từ năm 1998 đến năm 2007, có nhiều đồ tạo tác và cổ vật khác trong buồng trung tâm và những ngôi mộ khác xung quanh, vượt ngoài trí tưởng tượng của con người. Nhưng ông cho rằng sự phân bố của thủy ngân có thể không phải yếu tố chỉ dẫn đáng tin cậy. Căn buồng có thể sụp đổ từ hàng nghìn năm trước, như mộ chứa đội quân đất nung Thủy ngân có thể bay hơi và ngấm vào đất trong nhiều thế kỷ.
Các chiến binh đất nung được tìm thấy bên ngoài 2 km tường bao quanh buồng trung tâm. Bên trong tường có nhiều tòa nhà chứa thức ăn và đồ vật khác mà hoàng đế có thể cần ở thế giới bên kia. Có thể hoàng đế không được chôn cất một mình. Tư Mã Thiên cho biết nhiều quan lại được chôn cùng Tần Thủy Hoàng, dù không rõ họ còn sống hay đã chết vào thời điểm đó. Nhiều tòa nhà và đồ vật mạ vàng và bạc pha thủy ngân, một tập tục phổ biến thời đó.
Nếu đúng thủy ngân được dùng cho mục đích trang trí, các chuyên gia nghi ngờ khối lượng phải rất lớn. Dựa trên ước tính về lượng thủy ngân sản xuất, họ suy đoán thợ xây đã dùng khoảng 100 tấn, xấp xỉ 7m3 thủy ngân.
An Khang (Theo Labrujulaverde)