Chính phủ Nhật Bản hôm 9/5 thông báo cá voi vây (Balaenoptera physalus) là mục tiêu của các tàu săn cá voi trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, theo Tổ chức điều tra môi trường (IEA). Việc thêm cá voi vây đưa số lượng cá voi đánh bắt thương mại ở Nhật Bản lên 4 loài, cùng với cá voi minke, cá voi Bryde và cá voi sei.
Quyết định bổ sung mới nhất đặc biệt gây bất ngờ do kích thước và sự khan hiếm của loài này. Dài 25 m, cá voi vây là động vật lớn thứ hai trên Trái Đất xét theo chiều dài, chỉ xếp sau cá voi xanh. Chúng có thể sống tới 90 năm và có phạm vi sinh sống trải rộng khắp các đại dương trên thế giới.
Cá voi vây nằm trong danh mục loài nguy cấp của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trước năm 2018, sau đó, tình trạng của chúng được chuyển thành "loài dễ tổn thương". Số lượng cá voi vây tăng khoảng gấp đôi từ thập niên 1970 chủ yếu nhờ lệnh cấm đánh bắt thương mại. Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản bắt đầu đảo ngược tiến trình đó.
"Đây là một bước lùi đáng lo ngại và nỗ lực mới nhất của chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích nhu cầu tiêu thụ thịt cá voi gần như không còn tồn tại", Clare Perry, cố vấn đại dương ở EIA, cho biết. "Cá voi vây là một trong những loài thu thập carbon lớn trên thế giới và cần được bảo vệ đầy đủ, ít nhất để chúng có thể tiếp tục hoàn thành vai trò thiết yếu trong môi trường biển".
Nhật Bản khôi phục đánh bắt cá voi thương mại vào tháng 6/2019 sau khi gây tranh cãi vì rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC), hội đồng liên chính phủ điều phối ngành công nghiệp đánh bắt cá voi. Hoạt động đánh bắt cá voi thương mại bị cấm bởi IWC từ năm 1982 dù họ vẫn cho phép các nước giết cá voi vì mục đích đặc biệt như nghiên cứu khoa học.
Hơn 80 quốc gia ký thỏa thuận có hiệu lực vào năm 1986. Tuy nhiên, một số nước như Na Uy, Đan Mạch, Greenland, Nga, Iceland và Nhật Bản, tiếp tục phớt lờ lệnh cấm và săn cá voi dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học. "Hiện nay, Nhật Bản lại đề xuất săn bắn loài vật lớn thứ hai trên hành tinh, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá voi thương mại", Perry nói.
An Khang (Theo IFL Science)