Hôm 3/5, Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) đã phóng thành công tên lửa Trường Chinh 5 lên vũ trụ, mang theo các phương tiện trong nhiệm vụ Hằng Nga 6. Các phương tiện này đã tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng hôm 8/5. Hằng Nga 6 dự kiến trở thành nhiệm vụ đầu tiên trong lịch sử lấy mẫu vật từ phía xa Mặt Trăng và đưa về Trái Đất.
Phương tiện chủ chốt là tàu đổ bộ, dự kiến hạ cánh xuống Mặt Trăng đầu tháng 6. Tại đó, tàu sẽ thu thập mẫu vật trên bề mặt Mặt Trăng, đặt chúng vào module trở về để phóng trở lại Trái Đất, tương tự nhiệm vụ Hằng Nga 5. Trong nhiệm vụ này, tàu vũ trụ Trung Quốc thành công hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 2020 và đưa mẫu vật về Trái Đất sau đó vài tháng.
Không nhiều thông tin về nhiệm vụ Hằng Nga 6 được hé lộ trước khi phóng, ngoài việc có những hàng hóa từ Pháp, Thụy Điển, Italy và Pakistan cũng được đưa đến Mặt Trăng. Nhưng sau vụ phóng, CAST tung ra những bức ảnh mới, trong ảnh có một robot nhỏ với bánh xe gắn bên hông của tàu đổ bộ Mặt Trăng, Space hôm 8/5 đưa tin.
Hiện vẫn chưa rõ nhiệm vụ chính của robot thám hiểm. Tuy nhiên, theo thông tin từ Viện Gốm sứ Thượng Hải, nơi cung cấp một số bộ phận của tàu Hằng Nga 6, nó có máy quang phổ chụp ảnh hồng ngoại. Dựa vào kích thước robot và những điều kiện trên Mặt Trăng, nhiệm vụ của nó có thể sẽ khá ngắn.
CAST đã có robot thám hiểm Thỏ Ngọc 2 ở phía xa Mặt Trăng, hạ cánh vào năm 2019 trong nhiệm vụ Hằng Nga 4 - nhiệm vụ đầu tiên trên thế giới thành công đưa tàu vũ trụ đáp xuống phía xa của Mặt Trăng. Thỏ Ngọc 2 có một số phát hiện lớn, bao gồm những quả cầu thủy tinh nhỏ trên bề mặt Mặt Trăng.
Mục tiêu cuối cùng của CAST là đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2030. Cơ quan này sẽ bắt đầu phóng thử nghiệm một loại tên lửa cỡ lớn mới có thể tái sử dụng vào năm sau. Tuy nhiên, giống như robot mới, những chi tiết về nhiệm vụ này vẫn đang được giữ kín.
Thu Thảo (Theo Space)