Eliezer Rabinovici, giáo sư vật lý danh dự ở Đại học Do Thái Jerusalem kiêm chủ tịch Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) nhận định các nhà khoa học Trung Quốc có thể xây dựng máy gia tốc hạt lớn nhất trên Trái Đất. Hiện nay, CERN đang vận hành máy gia tốc hạt to và mạnh nhất thế giới là Máy gia tốc hạt Lớn (LHC), nằm trong một đường hầm hình khuyên có chu vi 27 km bên dưới biên giới giữa Thụy Sĩ và Pháp. Máy gia tốc electron positron hình tròn (CEPC) mà Trung Quốc dự kiến xây dựng sẽ vượt xa LHC với chu vi 100 km, theo Interesting Engineering.
Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt dự án đang gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học nước này. Nhà vật lý kiêm học giả Nobel Yang Chen-ning là người phản đối CEPC mạnh mẽ nhất. Hiện đang sống ở Bắc Kinh, Yang từng chất vấn nhu cầu xây dựng siêu máy gia tốc hạt. Ông cho rằng Trung Quốc có nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết hơn như phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Rabinovici chia sẻ ông đã đọc những gì Yang phát biểu và phản ứng của các nhà khoa học Trung Quốc lúc đó, nhưng ông cho rằng họ đang đánh giá thấp tiềm năng trong nước. Trong chuyến thăm hồi tháng 4, Rabinovici đã chứng kiến sự tiến bộ to lớn của nền khoa học Trung Quốc. CERN đang cân nhắc mở rộng LHC thành cỗ máy dài gần 100 km và Rabinovici được Viện vật lý năng lượng cao (IHEP) tại Bắc Kinh mời tới để chia sẻ suy nghĩ về dự án.
Câu hỏi liệu Trung Quốc có nên xây máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới hay không đã gây tranh cãi suốt gần một thập kỷ. Wang Yifang, giám đốc của IHEP, lần đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng CEPC năm 2012 sau khi hạt Higgs boson (Hạt của Chúa) cung cấp khối lượng cho gần như mọi hạt khác) được phát hiện ở châu Âu bằng LHC. Thông qua gia tốc electron và phản hạt là positron tới năng lượng cực cao và để chúng va chạm với nhau, cơ sở hạ tầng mới sẽ tạo ra hàng triệu hạt Higgs bosons, cho phép các nhà khoa học tạo ra nhiều phát hiện mới ngoài Mô hình chuẩn, giả thuyết tốt nhất hiện nay để mô tả những khối xây dựng cơ bản của vũ trụ.
Một nhà vật lý giấu tên ở đại học top đầu của Trung Quốc chia sẻ nhóm nghiên cứu do Wang chỉ đạo bao gồm nhiều nhà khoa học xuất chúng. Trong thập kỷ qua, nghiên cứu của họ được đánh giá cao bởi những nhà vật lý quốc tế và dự án CEPC mà họ thiết kế đang thu hút nhiều sự chú ý trên toàn cầu. Ông cũng không đồng ý với lập luận của Yang cho rằng đầu tư vào dự án lớn như vậy sẽ làm giảm ngân sách cho các vấn đề xã hội cấp thiết và một số lĩnh vực khoa học khác. Theo ông, Trung Quốc không thiếu kinh phí cho dự án quy mô lớn.
Wang gần đây thừa nhận số tiền hơn 5 tỷ USD để xây CEPC không phải rẻ. Nhưng ông nhấn mạnh nếu CEPC có thể hỗ trợ công việc cho hàng nghìn nhà khoa học trong nhiều thập kỷ tới, chi phí trung bình sẽ không quá cao. Theo Wang, việc xây dựng siêu máy gia tốc hạt ở Trung Quốc có thể bắt đầu trong vòng 3 năm tới, dù còn cần đạt được giấy phép và kinh phí từ chính phủ.
An Khang (Theo Interesting Engineering)