Mưa cá là một hiện tượng hiếm gặp, thường xảy ra do vòi rồng mang theo sinh vật biển khỏi mặt nước, rồi trút xuống tại một địa điểm khác. Sự kiện kỳ thú này đã được ghi nhận ở thành phố Yasuj, Iran sáng hôm 4/5.
Đoạn clip ghi lại sự việc cho thấy hàng chục con cá rơi xuống ngay bên cạnh những chiếc ô tô đang lưu thông trên đường.
Mario Nawfal, chủ nhân của clip đang lan truyền trên mạng xã hội, cho biết: "Đột nhiên cá ở trên trời rơi xuống. Nguyên nhân vẫn chưa được xác định, nhưng đó ắt hẳn là cá thật".
Nhiều người đã bình luận bên dưới đoạn video, xem đây là phước lành từ Chúa. Trong khi đó, một số người lại cho rằng đây là dịp may mắn khi họ có sẵn thức ăn là cá tươi ngoài đường mà không cần mua.
Theo tờ Iran International, lượng mưa lớn kéo đến đã gây ra tình trạng ngập lụt ở 21 tỉnh, thành phố của nước này.
Trước đó, Tổ chức Khí tượng Iran cảnh báo về một đợt mưa mới bắt đầu từ Chủ nhật, và lan rộng sang các khu vực lân cận khác. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là quận Shabestar ở miền đông Azerbaijan.
"Mưa cá" hay "mưa động vật" từng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Mexico, Trung Quốc, Thái Lan và Australia. Trong đó, "mưa cá" và "mưa ếch" là phổ biến nhất.
Lý do chính xác của hiện tượng mưa cá chưa được giải thích rõ ràng. Giả thuyết cho rằng, những đám mây hình phễu hình thành trên các vùng nước giống như cơn lốc xoáy, còn gọi là vòi rồng.
Chúng "hút" cả nước và cá, rồi "vận chuyển" chúng hàng chục km tới đất liền, trước khi trút xuống như những cơn mưa.
Ở một số nơi, những trận mưa cá thậm chí xảy ra định kỳ. Điển hình là ở tỉnh Yoro, Honduras, khi cứ tầm tháng 6, tháng 7, là người dân lại háo hức chờ đợi những cơn mưa lạ này. Một số khu vực như Ấn Độ, Australia. Mexico... cũng thỉnh thoảng bắt gặp mưa cá ở các thành phố ven biển.
Nhà vật lý người Pháp Andre-Marie Ampere là một trong những nhà khoa học đầu tiên xem xét nghiêm túc các hiện tượng mưa cá nói riêng, hay mưa động vật nói chung.
Phát biểu trước Hiệp hội Khoa học Tự nhiên, Ampere cho biết đôi khi ông bắt gặp ếch và cóc lang thang ở vùng nông thôn với số lượng lớn, và nêu giả thuyết rằng những cơn dông lớn có thể đã cuốn chúng đi một quãng đường rất xa.
Một số ý kiến khác như của nhà tự nhiên học người Pháp Francis de Laporte de Castelnau thì cho rằng, những loài vật sống dưới nước này chỉ đơn giản là đã thực hiện một cuộc "di cư" quy mô lớn từ vùng nước này sang vùng nước kia sau cơn mưa.
Tuy nhiên, lời giải thích này nhanh chóng bị bác bỏ, khi người ta thực sự chứng kiến rất nhiều loài động vật từ cá, sứa, ếch... cho tới chim, nhện, giun đất... rơi xuống từ bầu trời theo cơn mưa.