Các nhà nghiên cứu từ Hàn Quốc đã tạo ra những viên kim cương nhỏ, có thể thay thế kim cương tự nhiên và thân thiện với môi trường.
Để làm điều này, họ kết hợp silicon với một loạt các kim loại hóa lỏng cùng khí carbon dưới nhiệt độ cực cao để khử chúng. Quá trình này hợp nhất silicon với các nguyên tử carbon để tạo thành cấu trúc kim cương bền vững.
Rodney Ruoff, đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng silicon là chìa khóa thành công và khẳng định: "Nếu chúng ta không thêm một ít silicon, chúng ta sẽ không có được kim cương".
Điểm đột phá của phương pháp là chỉ mất 150 phút để hoàn tất quá trình "trồng" kim cương, và tạo ra những viên kim cương có đường kính 100 nanomet.
Các nhà nghiên cứu tin rằng họ sẽ có thể cải tiến phương pháp của mình để tạo ra những viên kim cương lớn hơn, và hoàn thiện hơn trong tương lai.
Ở Mỹ, một viên kim cương 1 carat sẽ có giá trung bình là 2.500 USD, trong khi viên kim cương tương đương được "trồng" trong phòng thí nghiệm có giá chỉ 500 USD.
Nhìn bằng mắt thường, những viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm trông không khác gì những viên kim cương tự nhiên, nhưng lại rất khác biệt dưới kính hiển vi. Đó là lý do tại sao có sự chênh lệch lớn về giá như vậy.
Dẫu vậy, phương pháp "trồng" kim cương mới trong phòng thí nghiệm hoàn toàn có thể tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp kim cương nhân tạo, vốn đã bùng nổ trong những năm gần đây.
Kim cương thường bắt đầu phát triển ở lớp phủ trên của vỏ Trái Đất, nhưng quá trình này có thể bị gián đoạn do sự thay đổi của điều kiện khí hậu bao gồm nhiệt độ, áp suất hoặc lượng carbon mà chúng tiếp xúc.
Vì lý do này, kim cương tự nhiên thông thường phải mất hàng tỷ năm để hình thành hoàn chỉnh, khiến chúng trở nên vô cùng khan hiếm và đắt đỏ.
Việc chuyển sang nguồn cung kim cương nhân tạo cũng là giải pháp thân thiện với môi trường.
Theo Greenmatch, một tổ chức năng lượng tái tạo và bền vững, cứ mỗi carat kim cương được khai thác, sẽ có gần 9,2 mét vuông đất bị xáo trộn, tạo ra 2.629 chất thải khoáng sản.
Theo
www.sciencealert.com