Năm 2022, mức thu nhập bình quân của nhân viên Tesla vào khoảng 34.000 USD. Nếu tính mức lạm phát 10% và 14.500 lao động sẽ bị sa thải tới đây thì Elon Musk dự kiến tiết kiệm được khoảng 550 triệu USD chi phí chưa kể tiền thuế.
Nếu dựa trên những ước tính gần đây thì khoản tiền này tương đương 4-5% doanh thu của Tesla cho năm 2024. Với nhiều chuyên gia, con số này chẳng khác nào việc Elon Musk đang phải tiết kiệm đến từng đồng trong bối cảnh những lời chém gió bán giấc mơ cho nhà đầu tư không còn hiệu nghiệm.
Hết thời ‘lùa gà’
Elon Musk nổi tiếng với những câu "chém gió", bán giấc mơ về một Tesla tiếp tục tăng trưởng nóng để thu hút nhà đầu tư, hay việc "lùa gà" mọi người trong cộng đồng tiền số.
Thế nhưng những lời "đao to búa lớn" của vị tỷ phú xe điện này giờ đây chẳng còn nhiều tác dụng nữa khi cổ đông dần mất kiên nhẫn trong bối cảnh doanh số suy giảm, không đạt mức dự báo như những gì Elon Musk cam kết.
Như một hậu quả tất yếu, Elon Musk buộc phải học hỏi Mark Zuckerberg khi đuổi việc đến hơn 14.000 người nhằm tìm kiếm "Giai đoạn tăng trưởng tiếp theo" như những gì ghi trong thông báo chính thức.
Với nhiều chuyên gia, cụm từ "Giai đoạn tăng trưởng tiếp theo" không khác gì "Năm hiệu quả" mà Mark Zuckerberg đã từng đề ra. Tuy nhiên kết quả của chúng ra sao thì còn là nghi vấn khi bối cảnh của Tesla đang khó khăn hơn rất nhiều so với Facebook năm 2023.
Tất nhiên, các công ty thường sẽ phải nhấn mạnh về một bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn cùng tiết kiệm chi phí khi sa thải hàng loạt. Thế nhưng liệu những động thái này có đang chứng minh quãng thời gian "bán giấc mơ" của Elon Musk không còn hiệu nghiệm và nhà đầu tư nhận ra mình đã bị "lùa gà"?
Hiện Tesla được cho là đang sản xuất quá thừa xe điện so với nhu cầu thực tế của thị trường, làm tăng tỷ lệ hàng tồn kho khiến Elon Musk buộc phải dìm giá để cạnh tranh.
Tuy nhiên chiến lược này lại làm giảm lợi nhuận và Elon Musk phải dùng chiêu trò cũ: bán một giấc mơ về tương lai robot taxi.
Thế nhưng giấc mơ này cũng chẳng níu kéo được giá cổ phiếu Tesla quá lâu khi mọi người đều nhận ra rằng phải tốn rất nhiều năm nữa thì câu chuyện robot taxi mới có thể trở thành sự thật.
Sản phẩm mới nhất của Tesla là xe bán tải điện Cybertruck đã trở thành quả bom xịt sau nhiều năm trễ hẹn, bị khách chê bai vì quá đắt cũng như chẳng có công nghệ gì vượt trội so với các đối thủ đến từ Trung Quốc.
Mảng xe tự lái của hãng thì đang gặp rắc rối về pháp lý do tính an toàn bị nghi ngờ khi liên quan đến nhiều vụ tai nạn ở Mỹ.
Rõ ràng, trong bối cảnh doanh số suy giảm, Elon Musk đang cố hướng dư luận về những "giấc mơ" của mình nhưng giờ đây chẳng mấy ai còn quan tâm.
1 quyết định, 2 số phận?
Nhiều chuyên gia thậm chí nhận định do không thể cạnh tranh được về mức giá trước đối thủ Trung Quốc nên Tesla đã hướng đến robot taxi như một sản phẩm cứu cánh để cạnh tranh.
Thế nhưng việc không ra mắt được một chiếc xe thực tế hay xây dựng được mạng lưới robot taxi hoàn hảo khiến nhà đầu tư cũng mất dần niềm tin vào Elon Musk.
Giờ đây với sự bành trướng của xe Hybrid cũng như làn sóng xe điện giá rẻ Trung Quốc, Tesla dường như chẳng còn thứ gì có thể đảm bảo vị thế của mình ngoài cái mác người đi trước.
Ngay cả Elon Musk, sau nhiều tai tiếng tại Twitter-X hay những trò lùa gà tiền số, chính các cổ đông trong Tesla hay SpaceX cũng dần nghi ngờ khả năng điều hành của vị tỷ phú này.
Trong năm 2023, Mark Zuckerberg đã có cú xoay mình ngoạn mục sau khi liên tục sa thải hàng loạt và giữ được doanh thu tăng trưởng.
Thế nhưng dù có sa thải hàng chục nghìn nhân viên đi chăng nữa thì Tesla cũng chẳng thể giữ đà tăng trưởng trong bối cảnh thị trường xe điện hạ nhiệt.
Tồi tệ hơn, việc sa thải hàng loạt này sẽ kéo theo những vụ kiện cáo và tác động tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu của Tesla.
Rõ ràng, cùng một quyết định sa thải, nhưng có lẽ số phận của Elon Musk chưa chắc đã xoay mình thành công như Mark Zuckerberg.
*Nguồn: Tổng hợp
Lấy link