Vào tháng 2/1869, hai thợ thăm dò người Anh John Deason và Richard Oates đào tìm vàng ở trung tâm bang Victoria, Australia. Tại đó, cuốc chim của họ đụng phải vật cứng ở rất gần mặt đất. Khi Deason ngồi xổm để kiểm tra tảng đá lớn chắn đường, ông phát hiện đó là một khối vàng khổng lồ. Đây là khối vàng lớn nhất từng được tìm thấy, dài 0,6 mét và rộng gần 0,3 mét, theo Interesting Engineering.
Deason và Oates rất hào hứng nhưng họ phải cất giấu khối vàng an toàn trước khi công bố. Họ chờ tới khi Mặt Trời lặn. Trong bóng tối, Deason và Oates đào khối vàng và đưa về căn lều của Deason. Họ đặt nó trên đống lửa để hun hết bụi đất và làm vỡ thạch anh đen bao phủ khối vàng. Khối vàng được hun hết ngày cuối tuần và tới sáng thứ Hai, khoảng 31,8 kg đá thạch anh đen vỡ ra từ khối vàng được đưa tới máy nghiền quặng ở địa phương để xử lý, giúp thu về 1,7 kg vàng. Khối vàng còn lại được đưa tới thị trấn Dunolly cách đó 14,5 km.
Tại Dunolly, Deason và Oates đem thẳng khối vàng tới ngân hàng để tránh bị cướp mất. Tuy nhiên, khối vàng có tên "Welcome Stranger" quá lớn để đặt trên cân của ngân hàng, nên phải đẩy bằng xe cút kít tới chỗ thợ rèn ở địa phương để chia thành ba tảng. Deason và Oates bán 66 kg vàng cho ngân hàng, phần còn lại họ giữ làm của riêng. Có nhiều báo cáo khác nhau về trọng lượng của khối vàng nhưng con số phổ biến nhất là 72 kg.
Ngân hàng trả 9.563 bảng Anh cho số vàng mua lại. Theo John Tully, chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Nghệ thuật Goldfields ở Dunolly, số tiền đó tương đương với tiền lương trung bình của công nhân trong 43 năm. Sau phát hiện, Deason tiếp tục đào vàng và trở thành quản lý cửa hàng ở Moliagal. Ông mất phần lớn của cải do đầu tư thất bại. Deason mua một trang trại nhỏ gần Moliagal và trải qua những ngày cuối đời như một nông dân. Trong khi đó, Oates quay lại Anh và kết hôn. Ông trở lại Australia, có 4 người con và sống trong trang trại rộng 324 hecta tới khi qua đời.
Trong cơn sốt vàng ở Victoria, Moliagul là một thị trấn phát triển với 16.000 cư dân. Ngày nay, cộng đồng dân cư ở đây chủ yếu trồng trọt với nhà cửa thưa thớt, nhưng thợ dò vàng vẫn đổ xô về khu vực có tên Tam giác vàng. Khu vực rộng 9.400 km2 này cung cấp một số khối vàng lớn nhất thế giới. Ở địa điểm gọi là Canadian Gully tại Ballarat, thợ mỏ tìm thấy 3 khối vàng lớn nặng lần lượt 61 kg, 42 kg và 38 kg năm 1853. 18 tháng sau, một nhóm 9 thợ mỏ tìm thấy khối vàng Lady Hotham nặng 44 kg. Sau đó, năm 1858, khối vàng nặng 69 kg có biệt danh "Welcome Nugget" cũng được phát hiện ở Ballarat. Tính đến nay, đây vẫn là khối vàng lớn thứ hai trên thế giới. Theo nhà chức trách, hơn 1.300 khối vàng nặng từ 500 g trở lên được đào từ mỏ vàng Victoria, trong số này có 400 khối nặng hơn 2,8 kg.
Tại Victoria, phần lớn vàng dưới lòng đất đều nằm trong rạn đá thạch anh. Hình thành cách đây 400 triệu năm, những rạn đá thạch anh cứng chứa vàng này có thể trải dài hàng kilomet nhưng rộng chưa đến một mét, nằm theo hướng dốc nghiêng dưới lòng đất. Những vị trí rạn thạch anh nhô lên khỏi mặt đất rất khó tìm. Nhưng nếu may mắn tìm thấy rạn đá mới, thợ dò vàng có thể lần theo cả đoạn dài trên mặt đất và dưới lòng đất. Tuy nhiên, thợ mỏ càng đào sâu, nguy cơ sụp hầm hoặc thảm họa khác càng lớn.
Nhiều công ty khai thác mỏ trên thế giới đổ xô tới Victoria, hy vọng kỹ thuật hiện đại có thể giúp họ phát hiện và đào nhiều vàng tinh khiết hơn. Hầm mỏ hiện đại hoạt động dựa trên hiểu biết về cách đá hình thành và lớp vỏ ngoài Trái Đất biến dạng ra sao trong quá trình dịch chuyển của mảng kiến tạo. Nhờ đó, các công ty có thể dự đoán hình dạng 3 chiều của rạn thạch anh chứa vàng, dễ dàng xác định vị trí của chúng ở sâu trong lòng đất hơn. Phương pháp khoan ngày nay cho phép lấy mẫu vật đá bằng máy móc như khoan lấy lõi khổng lồ. Hiện nay, những mỏ vàng Victoria sản xuất khoảng 18.427 kg vàng mỗi năm.
An Khang (Theo Amusing Planet)