Trong suốt hàng thập kỷ, Sao Hỏa vẫn luôn là điểm đến mang theo đầy tham vọng của con người. Có thời điểm, chúng ta tưởng như Hành tinh Đỏ đã ở rất gần, khi các chương trình của NASA tiến gần hơn đến thực tế, mở ra một kỷ nguyên mới cho khoa học vũ trụ.
Thế nhưng trong một thông báo được đưa ra vào ngày 15/4, các quan chức của NASA lại cho biết việc nhiều lần chậm trễ và chi phí vượt mức dự tiêu đã khiến cho kế hoạch khả dĩ nhất của họ dần trở nên xa vời.
Chúng ta đang nói đến sứ mệnh mang về những mẫu vật ở Sao Hỏa, còn được gọi là Chương trình thu hồi mẫu Sao Hỏa. Chương trình ban đầu được triển khai vào năm 2023, từng được dự đoán có tổng chi phí 2,5 - 3 tỷ USD, cũng như hoàn tất vào năm 2031.
Thế nhưng giờ đây, mọi chuyện dường như đang vượt quá tầm kiểm soát của NASA. "Chi phí của sứ mệnh đã bị đội lên vượt mức 11 tỷ USD, và thời gian bị đẩy tới năm 2040. Đó là điều không thể chấp nhận", Bill Nelson, Giám đốc NASA cho biết trong thông báo.
Ông cũng thừa nhận việc trả lại mẫu vật trên Sao Hỏa sẽ là một trong những sứ mệnh phức tạp nhất mà NASA từng thực hiện. Bởi vậy, cơ quan này kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức trên thế giới, để phát triển một kế hoạch mới khả thi hơn, thực tế hơn.
Tuyên bố của người đứng đầu NASA đã tạo ra một cú sốc lớn trong dư luận, vì giờ đây, kế hoạch đầy tham vọng của họ hướng tới Sao Hỏa có nguy cơ bị dang dở.
Kết luận này viện dẫn những lý do như hạn chế về nguồn ngân sách hiện có, nhằm phân bổ cân đối với những dự án khoa học có mức độ ưu tiên cao khác, như sứ mệnh đưa tàu không người lái Dragonfly tới vệ tinh Titan của Sao Thổ.
Dẫu vậy, Bill Nelson củng cố quan điểm rằng NASA không muốn chấm dứt chương trình, vì nó được cho là quá quan trọng, đặc biệt là khi cơ quan này đang tìm cách đưa các phi hành gia lên Hành tinh Đỏ trong tương lai.
Được biết, kế hoạch tham vọng của NASA ban đầu bao gồm việc phóng một tàu đổ bộ do NASA chế tạo, mang tên Perseverance, đến miệng núi lửa Jezero ở Sao Hỏa để thu thập mẫu vật.
Những mẫu này sau đó sẽ được phương tiện phóng MAV đưa lên quỹ đạo Sao Hỏa, nơi một tàu vũ trụ do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) chế tạo sẽ mang nó trở lại Trái Đất.
Kế hoạch này đã khiến những người quan tâm đến Hành tinh Đỏ phấn khích trong một thời gian dài. Theo giới chuyên môn, sứ mệnh không chỉ cung cấp dữ liệu vô giá về điểm đến sắp tới của nhân loại, mà còn có thể giúp các sứ mệnh trong tương lai trở nên đơn giản hơn rất nhiều.