Chiều 15/4/2024, tại cuộc giao ban Quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Viettel và VNPT.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, sau 15 năm có quy định về việc đấu giá tần số vô tuyến điện tại Luật Tần số vô tuyến điện 2009, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần triển khai 5G với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá là Viettel với khối băng tần 2500 - 2600 MHz và VNPT với khối băng tần 3700 – 3800 MHz.
“Với việc đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nêu trên, Bộ TT&TT đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G từ ngày 11/4/2024. Các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, hình thành một hạ tầng mới thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số - chính phủ số tại Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Phúc nói.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng cho biết, với việc sở hữu tần số, Viettel sẽ tăng cường hạ tầng cho 4G, đồng thời quyết tâm sớm đưa 5G tới khách hàng.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT chia sẻ, việc cấp giấy phép 5G là bước ngoặt để doanh nghiệp có thể làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Phía MobiFone cũng chia sẻ mong muốn sớm được cấp phép 5G thông qua đấu giá.
Trước đó, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) Lê Văn Tuấn cho biết, hiện công nghệ 5G đã chín muồi so với 2 - 3 năm trước. Qua thời gian thử nghiệm, các nhà mạng đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ 5G và quan tâm đến việc đấu giá băng tần cho 5G. Hiện đa số quốc gia trên thế giới đều chọn hình thức đấu giá vì thế giới thừa nhận đây là hình thức minh bạch nhất.
Sau khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cùng với Bộ TT&TT ra cơ chế tháo gỡ những vướng mắc trong việc đấu giá tần số, chiều 8/3/2024, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz). Sự kiện này đánh dấu dấu mốc mới cho viễn thông Việt Nam khi chuyển từ cấp phát, thi tuyển sang đấu giá để có được tần số.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã trúng đấu giá khối băng tần 2500-2600 MHz với giá 7.533.257.500.000 đồng và VNPT trúng đấu giá khối băng tần 3700-3800 MHz với giá 2.581.892.500.000 đồng.
Riêng khối băng tần 3800-3900 MHz, do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nên cuộc đấu giá khối băng tần này không thành.
Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông đã có thông báo về việc nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thông báo phí, lệ phí tần số vô tuyến điện; phí cấp phép hoạt động viễn thông, phí quyền hoạt động viễn thông gửi các doanh nghiệp trúng đấu giá.
Theo ông Lê Văn Tuấn, sau khi 2 khối tần số vừa đấu giá được cấp cho doanh nghiệp, lượng tần số cấp cho thông tin di động đã tăng lên 59% so với hiện nay. Lượng tần số tất cả các doanh nghiệp đang được cấp là 340 MHz, riêng trong 2 cuộc đấu giá thành công vừa qua đã cấp thêm 200 MHz. Với lượng băng tần bổ sung thêm, chắc chắn chất lượng dịch vụ băng rộng di động sẽ tăng lên.
Với khối tần số 3800-3900 MHz đấu giá không thành, theo quy định của Nghị định 63, giá khởi điểm của khối băng tần 3800-3900 MHz sẽ là giá doanh nghiệp đấu băng tần 3700-3800 MHz đã trả. Tức là sau khi VNPT được cấp phép, giá VNPT trả được chính thức sử dụng làm giá khởi điểm cho việc đấu giá lại khối băng tần 3800-3900 MHz.
Sau khi Cục Tần số vô tuyến điện báo cáo lãnh đạo Bộ để tổ chức đấu giá lại khối băng tần 3800-3900 MHz, nếu vẫn tiếp tục chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia đấu giá thì khối băng tần này có thể sẽ được bán lại cho doanh nghiệp đó theo quy định.