GS.TS Dương Tấn Nhựt, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên cho hay sâm của Việt Nam đang bị khai thác quá mức, có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Ông kiến nghị cần bảo tồn các dược liệu quý hiếm và phát triển quy mô nuôi trồng.
GS Nhựt có hơn 30 năm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv). Ông cho biết các nhà nghiên cứu đã phân lập được 52 hợp chất saponin, trong đó 26 hợp chất mới được phân lập từ thân rễ của sâm. Các saponin triterpene chính gồm MR2, G-Rb1 và G-Rg1, trong đó nổi bật với hàm lượng MR2 cao đáng kể, chiếm hơn 50% tổng hàm lượng saponin và cao gấp 42 lần so với nhân sâm Nhật Bản. Đây là lý do loài thảo dược quý hiếm có nhiều tác dụng như kích thích thần kinh, chống mệt mỏi, lão hóa, căng thẳng, chống oxy hóa.
Tại hội thảo ông cũng chia sẻ về quy trình vi nhân giống, áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mới nhằm tạo đặc tính mong muốn như tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt. Kết quả nghiên cứu giúp cải thiện chất lượng cây con, tăng cường khả năng sinh tổng hợp saponin, làm phong phú thêm nguồn nhân sâm quý của Việt Nam.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia trên thế giới có tên trong bản đồ cây thuốc vì có nguồn gốc động thực vật đa dạng với nhiều cây thuốc đặc trị, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu và suy giảm hệ sinh thái do phát triển không bền vững tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi cách tiếp cận khoa học hơn việc phát triển cây thuốc và các sản phẩm từ thiên nhiên ở Việt Nam.
Tại hội thảo với khoảng 50 báo cáo được các nhà khoa học bàn về các chủ đề cây thuốc và các tài nguyên thiên nhiên có giá trị khác. Những tiến bộ trong việc khám phá các hợp chất từ tự nhiên; trồng trọt, sản xuất và ứng dụng cây thuốc và các hợp chất có hoạt tính sinh học của chúng cũng được đề cập.
GS Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết nghiên cứu trong lĩnh vực Hóa dược đang giúp tạo ra loại thuốc mới, sản phẩm hỗ trợ sức khỏe tận dụng nguồn dược liệu trong nước. Nhóm nghiên cứu của GS Mai tập trung phát triển các cây thuốc và hợp chất có tác dụng chữa bệnh như tiểu đường; rối loạn chuyển hóa như bệnh gút và nám; suy giảm trí nhớ như bệnh Alzheimer; kháng ung thư; tác dụng chống oxy hóa hoặc giảm đau, chống viêm.
"Chúng tôi đã sàng lọc, phân lập, xác định cấu trúc của khoảng 800 hợp chất, trong đó có khoảng 150 hợp chất mới và có trên 50 công bố quốc tế uy tín về lĩnh vực này", bà cho hay. Những kết quả cho thấy tiềm năng phát triển thuốc mới từ nguồn cây thuốc ở Việt Nam.
Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên, quy tụ hơn 120 nhà nghiên cứu đến từ 13 quốc gia, tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định. Nhiều giáo sư, nhà khoa học đến từ các trường đại học danh tiếng tham dự như GS. TS Christopher Scarlett, Đại học Newcastle, Australia; GS Gontier Eric, Đại học Picardie Jules Verne, Amiens Pháp; GS Ikuro Abe, Đại học Tokyo.
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE cho biết hội thảo tập trung về các khía cạnh sinh học khác nhau của cây dược liệu từ cấp độ nông học và phân tử, sự phát triển và khám phá mới các hoạt chất chiết xuất, phân tử và thực phẩm có nguồn gốc từ thảo dược. Thông qua công bố kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, các nhà khoa học sẽ thảo luận về các cải tiến mới, xu hướng và thách thức thực tế phải đối mặt. Các giải pháp được áp dụng trong lĩnh vực sinh học cây dược liệu và những cải tiến tiên tiến trong nghiên cứu về các hợp chất tự nhiên cũng được giới thiệu.
Hội thảo thuộc khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 20, do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) tổ chức, hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ.