Khi nhắc tới Garmin, chắc chắn nhiều bạn cũng sẽ giống tôi và nghĩ đến những chiếc smartwatch thể thao cao cấp được hoàn thiện bằng vật liệu đắt tiền, hướng đến đối tượng người chơi thể thao chuyên nghiệp cũng như dư dả về tài chính.
Tuy vậy, Garmin cũng có các sản phẩm có giá bán ‘hợp lý’ hơn, hướng tới nhu cầu sử dụng hàng ngày của đại chúng như chiếc vívoactive 5 - là chiếc smartwatch duy nhất mà tôi sử dụng trong suốt 1 tháng qua.
Thiết kế không ấn tượng, dùng rồi lại thấy thích
Phải nói một cách thật lòng, đó là tôi không thực sự ấn tượng với thiết kế của vívoactive 5 trong lần đầu mở hộp. Gọi là lựa chọn có giá bán ‘hợp lý’ của Garmin nhưng vívoactive 5 vẫn có giá bán là 8.290.000 Đồng, nhưng nhìn lướt qua thì nó không ‘xịn’ hơn so với những lựa chọn giá rẻ đến từ Xiaomi hay Redmi, có thể lấy ví dụ đơn cử là chiếc chẳng hạn.
Phần thân của đồng hồ được làm bằng nhôm và khi sờ tay vào ta cũng có thể cảm nhận được ngay đó là kim loại, nhưng bề mặt thì lại được hoàn thiện nhìn khá giống nhựa. Đặc biệt là phiên bản màu xanh navy mà tôi sử dụng thì lại càng nhìn giống một chiếc đồng hồ bằng nhựa!
Đến cả cách sạc smartwatch cũng không được hiện đại bằng những lựa chọn khác. vívoactive 5 đi kèm với một dây sạc gắn bằng chân tiếp xúc vật lý, với ưu điểm là có khấc để giữ chắc dây, nhưng rõ ràng là nhìn không được ‘xịn’ như đế sạc không dây của các smartwatch hiện nay.
Điểm nhấn trong thiết kế bên ngoài của vívoactive 5 đó là phần giữ dây và 1 trong 2 nút bấm ở cạnh bên được sơn màu xanh sáng (baby blue) để nổi bật trên phần thân và dây. Những chi tiết thiết kế này có thể đánh giá là ‘trẻ trung’, tạo nên một chút điểm nhấn chứ vẫn không tạo nên độ ‘sang’ cho chiếc smartwatch này.
Không gây ấn tượng về vẻ ngoài, nhưng vívoactive 5 lại ‘10 điểm’ về cảm giác đeo trên tay. Tôi có thể khẳng định rằng đây là chiếc smartwatch thoải mái nhất mà tôi từng đeo từ trước tới nay, thậm chí tính cả các sản phẩm ‘vòng tay thông minh’ Xiaomi Band.
vívoactive 5 rất nhẹ, tính cả dây cũng chỉ 36g kết hợp với kích thước 42mm, khi đeo lên tay và sử dụng hàng ngày thì cho cảm giác như nó ‘biến mất’ luôn. Một trong những yếu tố khác tạo nên độ thoải mái này đó là phần dây, được làm bằng một loại cao su có tính đàn hồi cao nên kể cả tôi có đeo hơi chặt một chút (lúc đi bộ, chạy) thì vẫn không cho cảm giác như nó đang ‘thít’ vào cổ tay.
Chưa hết, chiếc smartwatch này khi đeo lên nằm rất sát với cổ tay, tôi thoải mái ‘vung vẩy’ nó mà không sợ chạm vào những đồ vật xung quanh, trái ngược với tôi cũng đã có cơ hội sử dụng vào giữa năm ngoái. Những ngày Hà Nội trở lạnh và tôi mặc áo dài tay thì vívoactive 5 cũng sẽ dễ dàng ‘trượt’ vào bên trong tay áo, không cho cảm giác cấn, cộm mất thoải mái.
Vì độ thoải mái này, mà vívoactive 5 trở thành chiếc smartwatch duy nhất tôi muốn đeo trong lúc đi ngủ để sử dụng tính năng đánh giá giấc ngủ. Rất nhiều các smartwatch khác quảng cáo nhiều về tính năng này, nhưng khi đeo lên giường thì cảm giác như ‘đeo cái cùm’ thì chắc chắn tôi sẽ không muốn dùng trong lúc ngủ, vì thực sự lúc đi ngủ tôi cần sự thoải mái tối đa.
Chuyến công tác 1 tuần để dây sạc smartwatch ở nhà
Một trong những ưu điểm lớn nhất của vívoactive 5, và cũng trở thành một thế mạnh của Garmin so với các nhà sản xuất smartwatch khác đó là thời lượng pin. Hãng công bố rằng trong một lần sạc đầy, vívoactive 5 có thể sử dụng liên tiếp trong 11 ngày, một con số rất ấn tượng cho một sản phẩm nhỏ gọn và nhẹ như thế này.
Để tạo một thử thách cho vívoactive 5, tôi đem chiếc smartwatch này trong một chuyến công tác kéo dài 7 ngày, chỉ sạc đầy pin trong lúc đi và ‘cố tình’ để dây sạc ở nhà luôn! Trong chuyến đi này, vívoactive 5 ‘sống’ luôn trên cổ tay của tôi từ lúc làm việc, đi dạo, đi ăn cho tới cả lúc đi ngủ.
Trong ngày tôi sử dụng nhiều nhất, bao gồm xem giờ và thông báo liên tục, sử dụng màn hình luôn hiện, theo dõi một buổi đi bộ dài 1 tiếng 30 phút và theo dõi giấc ngủ, chiếc vívoactive 5 tôi sử dụng mất khoảng 20% pin (tương đương thời lượng 5 ngày). Nhưng qua những ngày còn lại, tôi sử dụng ít hơn hơn nên tới cuối chuyến công tác 7 ngày vívoactive 5 vẫn chưa ‘sập’, còn 7% pin.
Thời lượng pin là một trong những yếu tố tôi đặt nặng với một chiếc smartwatch. Đồng hồ dù có là thông minh hay không vẫn là món đồ sử dụng hàng ngày, và nếu mỗi lần ‘sờ’ tới đều hết pin và phải sạc liên tục thì tính tiện dụng, độ thoải mái trong sử dụng đã giảm đi rất nhiều rồi. Đây cũng là lý do tại sao tôi vẫn đang sử dụng chiếc Huawei GT3, mặc dù giờ đã ‘tụt hậu’ về mặt tính năng so với các lựa chọn từ Samsung hay Apple nhưng về độ bền của pin thì không thể chê được.
Thời lượng pin kết hợp với cảm giác đeo thoải mái khiến vívoactive 5 trở thành chiếc smartwatch mà tôi muốn đeo cả ngày và hàng ngày. Khi ra đường để đi làm hay đi chạy, tôi sẽ có thể yên tâm rằng chiếc smartwatch này vẫn còn pin (không phải đợi sạc để dùng tiếp), và khi đã đeo thì sẽ thoải mái tới mức không ảnh hưởng đến bất cứ hoạt động nào.
Tính năng tôi thường dùng
Thay vì liệt kê tất cả các tính năng mà vívoactive 5 có, tôi sẽ chỉ đề cập đến những thứ tôi thực sự dùng hàng ngày. Đầu tiên, vívoactive 5 ‘gom’ tất cả những thông số về sức khỏe vào một màn hình gọi là ‘Glance list’, ta có thể tùy chỉnh để hiển thị nhịp tim, bước đi hàng ngày,... và đúng theo cái tên - có thể nhìn lướt qua là thấy 1 loạt các thông số và không cần phải chuyển qua các màn hình khác nhau như smartwatch từ các thương hiệu khác.
Một chỉ số độc quyền của Garmin là “Năng lượng cơ thể” hay “Body Battery” - coi con người giống một thiết bị công nghệ với pin 100% là đầy năng lượng, 0% tức là kiệt sức và cần nghỉ ngơi ngay. Chỉ số này trong thời gian tôi sử dụng tính toán được khá chính xác những gì tôi đang cảm nhận lúc đó.
Ví dụ như trong một ngày phải di chuyển nhiều, sau đó ngồi trong một căn phòng kín khí thì lượng ‘pin năng lượng’ của tôi tụt rất nhiều. Hay một hôm khác tôi ngủ không đủ giấc, mức năng lượng ‘sạc’ bởi việc nghỉ ngơi cũng không đủ để đạt 70% (tức là khá thấp, thiếu năng lượng cho ngày mới).
Một tính năng khác tôi thấy cũng rất hữu dụng, đó là ‘Chế độ ngủ’ kết hợp với ‘Dữ liệu buổi sáng’. Vào giờ ngủ buổi tối, vívoactive 5 sẽ không rung khi có thông báo tới, hiện một màn hình tối giản hơn để giúp người dùng không ‘táy máy’ mà tập trung vào giấc ngủ. Và vào buổi sáng, ‘Dữ liệu buổi sáng’ sẽ cho tôi những thông tin cơ bản như thời tiết, đánh giá mức năng lượng, chất lượng ngủ và một câu chúc “Buổi sáng tốt lành”!
Về việc nhận thông báo, vívoactive 5 có thể hiển thị tốt tiếng Việt, hiện được đa phần Emoji (cả những Emoji ít sử dụng tới), thông báo cuộc gọi thông thường và Facebook Messenger nhưng không hỗ trợ Zalo - tiêu chuẩn với các smartwatch của các thương hiệu khác khi sử dụng với smartphone Android.
Tôi dùng thấy ưng, nhưng người mới có muốn mua?
vívoactive 5 có thể đánh giá là một sản phẩm ‘đọc bảng thông số, nhìn ảnh qua mạng’ thì không có gì đặc biệt, nhưng qua quá trình sử dụng đủ lâu thì ta sẽ thấy được những điểm hay ho của nó. Nói như vậy, không có nghĩa rằng đây là một sản phẩm hoàn hảo, đặc biệt là đối với những người mới với thị trường smartwatch hoặc đang sử dụng sản phẩm của các hãng khác.
Thiết kế bên ngoài khá đơn giản và có phần ‘thực dụng’, vívoactive 5 cũng có phần mềm theo hướng tương tự luôn! Giao diện thao tác của smartwatch nhìn chung là không đẹp bằng Galaxy Watch từ Samsung hay Apple Watch, đặc biệt là tinh giảm tới tối thiểu những hoạt họa chuyển cảnh (animation) giữa các màn hình.
Cách thao tác của vívoactive 5 và các smartwatch của Garmin cũng rất khác so với các hãng khác. Ví dụ như kéo từ trên xuống ta sẽ có màn hình Glance list thay vì thanh điều chỉnh nhanh (Quick Settings). 2 nút bấm ở cạnh bên ở mỗi tính năng sẽ có 1 chức năng khác nhau, những ngày đầu làm tôi cảm thấy ‘lóng ngóng’ và phải một vài ngày mới làm quen được.
Phần mềm Garmin Connect
Đó là còn chưa kể tới phần mềm Garmin Connect, với ‘hàng tá’ những thông số và tùy chỉnh của nó. Có rất nhiều thứ ta có thể ‘vọc’ trong phần mềm này để tăng tính cá nhân hóa của smartwatch lên rất nhiều, nhưng với những người dùng mới chắc chắn sẽ cảm thấy bị ‘ngợp’, tốn một khoảng thời gian để khám phá được hết tất cả những tùy chọn này.
Bên cạnh những sự khác biệt về mặt phần mềm, một yếu tố nữa cũng khiến vivoactive 5 khó tiếp cận người mới là vấn đề thương hiệu. Garmin là một thương hiệu đã có tên tuổi trong thị trường smartwatch thể thao và theo dõi sức khỏe, nhưng đa phần mọi người khi chọn mua smartwatch vẫn sẽ ‘nhắm’ tới lựa chọn của cùng hãng với chiếc smartphone đang sử dụng để tận hưởng những ưu điểm về ‘Hệ sinh thái’. Apple iPhone ‘đi’ với Apple Watch, smartphone Galaxy thì hợp với smartwatch Galaxy.
Garmin vívoactive 5 có lẽ hướng tới những người như tôi, không quá quan trọng về vấn đề thương hiệu, đơn giản là chỉ muốn một chiếc smartwatch đầy đủ tính năng thực sự dùng tới, đeo thoải mái và pin càng ‘trâu’ càng tốt! Đây là một ứng cử viên nặng ký trong danh sách những chiếc smartphone mà tôi mua tiếp theo sau chiếc Huawei GT3, vì phiên bản lại có thiết kế hướng tới phái nữ hơn nhiều rồi.
Lấy link