Cái tên Ilya Sutskever được giới truyền thông Phương Tây nhắc đến khá nhiều trong thời gian này.
Vị chuyên gia khoa học đứng đầu và là đồng sáng lập của OpenAI được chính Elon Musk mời về từ Google để phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI).
Trớ trêu thay, chính người đàn ông này lại là "kẻ chủ mưu" cuộc đảo chính ở OpenAI mới đây, qua đó sa thải CEO Sam Altman một cách đầy bất ngờ qua cuộc họp online, tạo nên sự hỗn loạn cho toàn công ty.
Đáng buồn hơn, tân CEO Mira Murati cũng đã biết tin này trước đó nhưng không hề thông báo, dù cô là một trong những dàn lãnh đạo chủ chốt thân cận với Sam Altman trước đó.
Vậy điều gì đang diễn ra và tại sao một chuyên gia được Elon Musk ca ngợi lại có những hành vi khiến toàn thể mọi người bất ngờ như vậy?
Viễn cảnh tận thế
Với vị thế là nhà khoa học đứng đầu của OpenAI và là một trong những thành viên chủ chốt từ giai đoạn ban đầu, ông Ilya có cái nhìn rất khác về AI so với Sam Altman.
Xuất phát điểm là một tổ chức phi lợi nhuận không nhắm đến kiếm tiền mà là phát triển công nghệ cho nhân loại, OpenAI có mô hình quản lý rất khác so với những công ty khác.
Cũng chính điều này đã thu hút Elon Musk tham gia từ ban đầu để phát triển AI cho nhân loại, và cũng chính nhà sáng lập Tesla này đã cố gắng mời Ilya về để làm việc.
Bản thân Ilya tốt nghiệp trường đại học Toronto khi theo học với Geoffrey Hinton, người được gọi là "cha đẻ AI". Bởi vậy vị chuyên gia này cũng bị ảnh hưởng về nỗi sợ AI sẽ vượt mặt con người để đe dọa đến nhân loại.
Câu chuyện về một viễn cảnh tận thế như trong bộ phim "Kẻ hủy diệt" (The Terminator), nơi máy móc và AI thống trị trái đất, biến con người thành nguồn năng lượng và nuôi dưỡng nhân loại như súc vật trông không hề phi thực tế với những nhà khoa học như Ilya hay Hinton.
Cả Hinton và Ilya đã cùng phát triển công nghệ AI mang tên AlexNet vào năm 2021, khiến Google cực kỳ ấn tượng và mua lại chúng.
"Rất khó để con người có thể chống lại việc kẻ xấu dùng công nghệ AI để làm điều tồi tệ", ông Hinton nói với tờ New York Times (NYT) sau khi rời khỏi Google.
Tuy nhiên sau khi Hinton rời đi, bản thân Ilya cũng đã phân vân về việc ra đi do nhận ra nhà sáng lập Larry Page của Google chẳng hứng thú nhiều với những hiểm họa của AI mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
Kể từ đây, Ilya tìm kiếm những cơ hội mới và lọt vào tầm ngắm của Elon Musk, khi này cũng đang xây dựng dự án về AI.
"Larry Page chẳng quan tâm đến sự an toàn của AI đâu, ít nhất là tại thời điểm đó", Elon Musk từng nhớ lại.
Thế là vào năm 2015, nhà sáng lập Tesla đã thuyết phục được Ilya rời bỏ Google để đồng sáng lập nên OpenAI cũng như đảm nhận vai trò chuyên gia khoa học đứng đầu.
"Đó là một trong những thương vụ tuyển dụng khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện, nhưng chính nó lại đem về thành quả rực rỡ nhất cho OpenAI", Elon Musk từng nói về Ilya khi ca ngợi đây là người đàn ông tốt, có tấm lòng nhân ái.
Chính Ilya là nhà khoa học chủ chốt chịu trách nhiệm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), nền tảng cho GPT 2-3 và ChatGPT ay Dall E sau này.
Ai đúng, ai sai
Ban đầu, Ilya bị ấn tượng bởi kiểu tổ chức phi lợi nhuận của OpenAI cũng như niềm tin vào Elon Musk khi phát triển công nghệ AI phục vụ cho nhân loại là chính chứ không tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên khi ChatGPT thành công ngoài sức tưởng tượng khi có đến 100 triệu người đăng ký trong chưa đầy 2 tháng ra mắt, CEO Sam Altman của OpenAI đã dần đi chệch khỏi định hướng ban đầu và gây tranh cãi vì tìm kiếm nguồn vốn, phát triển lợi nhuận từ công nghệ AI.
Tại thời điểm này, Ilya đã cực kỳ lo lắng khi OpenAI bắt đầu đi vào vết xe đổ của Google, khi Larry Page cũng chỉ muốn thương mại hóa công nghệ AI mà không quan tâm nhiều đến tác hại tiềm tàng của chúng.
"Điều quan trọng nhất rõ ràng là việc đảm bảo bất kỳ công nghệ AI nào do bất kỳ ai dựng nên cũng sẽ không trở thành công cụ để làm điều xấu", ông Ilya nói với tờ Technology Review.
Chính điều này đã tạo ra xích mích lớn trong OpenAI khi Ilya dẫn đầu bộ phận các nhà khoa học muốn chậm lại tiến trình thương mại hóa ChatGPT cũng như có các động thái hạn chế ảnh hưởng xấu của công nghệ AI đến xã hội.
Theo Ilya, với tiến độ như hiện nay thì AI có thể vượt mặt con người chỉ trong 10 năm tới nhờ khả năng tự học hỏi đến mức đáng kinh ngạc. Yếu điểm duy nhất của công nghệ này là nguồn năng lượng và thời gian để phát triển mà thôi.
Trái ngược lại, Sam Altman bắt đầu gọi vốn từ Microsoft, tìm kiếm nguồn tiền từ các quỹ đầu tư Trung Đông và thậm chí liên hệ với cả tỷ phú Masayoshi Son của Softbank.
Xin được nhắc rằng chính Elon Musk đã bất hòa với Sam Altman và rời khỏi OpenAI vào năm 2018 chỉ vì công ty chấp nhận hàng tỷ USD đầu tư từ Microsoft, đi ngược lại mục tiêu phi lợi nhuận ban đầu.
"Ban đầu, OpenAI được xây dựng như một mã nguồn mở, và đó là lý do tôi chọn cái tên ‘Open’, đồng thời cấu trúc như một tổ chức phi lợi nhuận để không lâm vào vết xe đổ của Google. Tuy nhiên giờ đây công ty đang dần trở thành một hãng chỉ biết tối đa hóa lợi nhuận, bảo vệ lợi ích bản thân và nằm dưới sự kiểm soát của Microsoft. Đây không phải là mục đích mà tôi hướng đến", Elon Musk nói.
Sự xung đột này khiến Sam Altman thậm chí chửi Elon Musk là "đồ khốn" (Jerk) dù vẫn ghi nhận những công lao của nhà đồng sáng lập này với công ty.
Tờ The Verge cho hay sự hỗn loạn tại OpenAI minh chứng cho cuộc đối đầu giữa những nhà khoa học lo sợ viễn cảnh tận thế, chỉ muốn nghiên cứu phi lợi nhuận và bên kia là những nhà đầu tư thèm khát tiềm năng doanh thu của công nghệ mới.
Cuối cùng, liệu ai là người chiến thắng trong cuộc chiến này vẫn là câu hỏi và chắc chắn tương lai của OpenAI cũng như ChatGPT sẽ được định hình theo kẻ thắng.
*Nguồn: NYT, The Verge, Fortune
Lấy link