Ngăn chặn người vi phạm trên Internet cần quan tâm đến tính khả thi

Việc ngăn chặn người vi phạm trên Internet cũng giống như người vi phạm pháp luật trong cuộc sống thực, nhằm mục đích để họ không tiếp tục phạm pháp hoặc trốn tránh, cản trở bằng cách xoá dấu vết, bằng chứng.


Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời đang lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Báo VietNamNet xin chuyển đến bạn đọc các ý kiến đóng góp cho dự thảo này.


Ngày 17/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet.


Dự thảo được công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Trong đó, đáng chú ý là bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.


Cụ thể, theo Bộ TT&TT, qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.


Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ TT&TT.


Việc ngắt kết nối Internet với người vi phạm là cần thiết, nhưng cần quan tâm đến tính khả thi. Ảnh minh hoạ.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS, việc ngăn chặn người dùng vi phạm pháp luật trên không gian mạng là cần thiết. Việc này cũng như các biện pháp ngăn chặn khi một người vi phạm pháp luật trong cuộc sống thực, nhằm mục đích để họ không tiếp tục phạm pháp hoặc trốn tránh, cản trở bằng cách xoá dấu vết, bằng chứng.


Ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, các hình thức ngăn chặn trên không gian mạng sẽ đặc thù hơn và cần nhiều biện pháp mang tính công nghệ hơn, đây cũng sẽ là khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn các tổ chức cung cấp dịch vụ như nhà mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng OTT… và cả với người sử dụng.


Bên cạnh đó, theo ông Sơn, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải hướng dẫn rất rõ các tình huống vi phạm nào sẽ phải thực hiện ngắt kết nối, đồng thời trước đó phải hoàn thành việc định danh trên không gian mạng để đảm bảo chặn đúng người.


Với các nhà mạng viễn thông, các biện pháp ngăn chặn sẽ đòi hỏi hệ thống kỹ thuật có hiệu năng cao, có thể chặn/mở kịp thời khi có yêu cầu.


Với các mạng xã hội, mạng OTT, bên cạnh việc quản lý định danh sẽ phải có cơ chế để các cơ quan quản lý nhà nước có thể xác lập chứng cứ, truy vết trên không gian mạng khi phát hiện vi phạm. Cuối cùng, người sử dụng sẽ phải nâng cao hiểu biết về pháp luật để tuân thủ.


Về vấn đề này, ông Trần Viết Quân, CEO của Tanca cũng cho biết, các hình thức răn đe hoặc tốt nhất là ngăn chặn sớm đối với những người vi phạm pháp luật trên môi trường mạng dù bằng hình thức nào cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề ở đây cần đặt ra là tính khả thi của biện pháp, vì mạng Internet được sử dụng chung cho nhiều người dùng, kể cả người dùng không vi phạm.


Ngoài ra, việc chuyển đổi dịch vụ giữa các nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet hay trên SIM phát dữ liệu 4G-5G là khá dễ dàng, nên rất khó để chặn triệt để. Tuy nhiên, ông Trần Viết Quân cho rằng, việc gửi thông tin cảnh báo sớm đối với các IP có dấu hiệu vi phạm thông qua nhà mạng, cũng là một cách thức răn đe với người dùng vi phạm.


Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc của công ty cổ phần truyền thông Buzi, với tình trạng livestream các nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật… đang tràn lan trên mạng như hiện nay, việc áp dụng các biện pháp chế tài như ngắt Internet đối với các cá nhân vi phạm là một chính sách phù hợp và có tính răn đe cũng như giáo dục họ.


Vấn đề đặt ra là sẽ rất khó thực hiện biện pháp bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như họ sử dụng dịch vụ Internet chung với gia đình sẽ xử lý thế nào vì những người đó không vi phạm, bên cạnh đó ngắt dịch vụ của cá nhân thì họ vẫn có thể sử dụng các dịch vụ Internet công cộng như quán cà phê, hay thậm chí qua dùng dịch vụ của người thân, bạn bè…


Phát biểu tại buổi lấy ý kiến do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) ngày 14/8 vừa qua, ông Vũ Kiêm Văn - Tổng thư ký VDCA cũng đặt ra tình huống người vi phạm bị cắt Internet/mạng di động thì họ sẽ xoay sở ra sao nếu muốn sử dụng app VNeID, hoặc họ sẽ làm cách nào để viết email công việc. Ông Vũ Kiêm Văn cho rằng, nên cho họ sử dụng một số dịch vụ thiết yếu thay vì chặn mọi truy cập Internet.


Bài 5: Nhà mạng lên tiếng việc ngắt Internet người vi phạm pháp luật