Sắp có hướng dẫn cụ thể các địa phương cần làm gì để chuyển đổi số

Trong tháng 9, Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn triển khai chuyển đổi số. Với hướng dẫn này, lãnh đạo các tỉnh, sở TT&TT sẽ biết rõ những việc cần làm, cách làm ra sao và bao giờ xong.


Quan điểm coi việc hướng dẫn cụ thể những vấn đề chung cho toàn quốc, chung cho các tỉnh, các sở TT&TT là việc Bộ TT&TT phải làm vừa được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý III/2023, diễn ra ngày 11/9.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác quản lý nhà nước quý III/2023 với các Sở TT&TT. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Theo người đứng đầu ngành TT&TT, các hành động chủ yếu xảy ra ở địa phương, công việc của ngành, của Bộ có tạo ra kết quả hay không cũng chủ yếu là ở địa phương. Do đó, Bộ cần phải có hướng dẫn cụ thể cho địa phương. “Nếu Bộ chỉ tuyên bố chủ trương, đường lối, không có những hướng dẫn cơ sở, sẽ không đi vào cuộc sống được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Việc xây dựng và ban hành hướng dẫn sẽ được làm mẫu trước với lĩnh vực chuyển đổi số. Việc mới này đã được thực hiện từ trên xuống. Dự kiến, hướng dẫn này sẽ được công bố trong tháng 9. Khi đó, lãnh đạo các tỉnh, các sở TT&TT có thể triển khai các việc về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo bản hướng dẫn, với khoảng 70% việc được đẩy về các cơ quan, đơn vị Bộ, các sở TT&TT sẽ chỉ thực hiện khoảng 30%.


Sau khi hướng dẫn triển khai chuyển đổi số được Bộ TT&TT ban hành, người đứng đầu các Cục, Vụ thuộc Bộ sẽ coi đây là mẫu để xây dựng các hướng dẫn cơ sở cho các lĩnh vực khác như viễn thông, báo chí, an toàn thông tin mạng...


Theo Bộ TT&TT, chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn phải ứng dụng mạnh mẽ, triển khai những việc cụ thể. (Ảnh minh họa: M.Quyết).

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, theo Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn xây dựng các Nghị quyết, chiến lược, kế hoạch đã hoàn thành, đã đến lúc cần tập trung vào những việc cụ thể, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ, nền tảng số để xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.


Với quan điểm đó, giải pháp thành lập ở mỗi tỉnh 1 trung tâm chuyển đổi số đã được Lãnh đạo Bộ TT&TT đưa ra. Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ dành ra 1 không gian để giới thiệu những giải pháp chuyển đổi số xuất sắc của các doanh nghiệp công nghệ số. Đây cũng sẽ là nơi thể hiện các lời giải, cách làm, việc cần làm, tương tự như cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số sắp tới Bộ TT&TT ban hành.


Để các địa phương có mẫu làm theo, trong thời gian từ nay đến hết tháng 10, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia sẽ chọn 1 tỉnh để hình thành 1 trung tâm chuyển đổi số - địa điểm mà các sở, ngành, huyện xã, doanh nghiệp trên địa bàn muốn chuyển đổi số có thể đến tham quan, tìm hiểu.


Đánh giá về kết quả triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, đến nay chương trình đã đi được nửa chặng đường, và bước đầu đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Các bộ, ngành đều đã quan tâm, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số. Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành giai đoạn 2021-2022, đã có trên 20 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số nói chung như: xác thực, định danh điện tử; khai thác sử dụng dữ liệu dân cư; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và các chính sách về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực như: giáo dục, việc làm, thư viện, di sản văn hóa, nông nghiệp,…


Thống kê cũng cho thấy, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy về chuyển đổi số; 100% địa phương đã ban hành Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025. Trong năm 2022, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số.


Mạng lưới các Tổ công nghệ số cộng đồng đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng số cơ bản của người dân. (Ảnh: V.Sỹ).

Một trong những kết quả nổi bật thời gian qua là nhận thức về chuyển đổi số trong toàn xã hội đã được nâng cao đáng kể, nhất là nhận thức về chuyển đổi số của lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành, địa phương.


Để nhận thức về chuyển đổi số đi sâu vào đời sống của mọi người dân, Bộ TT&TT đã hướng dẫn các địa phương thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, làm cho người dân tại địa phương hiểu, hưởng ứng, tham gia vào quá trình chuyển đổi số, trở thành công dân số.


Đến nay, trên toàn quốc đã có gần 75.000 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 350.000 thành viên. Đây là điểm mới chưa có tiền lệ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, nhờ đó đã giúp nhiều người người dân hiểu và dễ dàng khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ số của chính quyền, doanh nghiệp.


Trong chặng đường tới, với quan điểm “Tổ chức triển khai chuyển đổi số quốc gia, tại từng bộ, ngành, lĩnh vực, cơ quan phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp”, Bộ TT&TT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.


Cụ thể, 4 nhóm nhiệm vụ chính trong chuyển đổi số quốc gia gồm: Tạo lập các yếu tố nền móng để thực hiện chuyển đổi số; phát triển Chính phủ số hiệu quả để chính phủ gần dân hơn và dân cũng gần chính phủ hơn; phát triển kinh tế số hội nhập kinh tế thế giới sâu, rộng để người dân giàu có hơn; phát triển xã hội số để người dân được thụ hưởng các dịch vụ số, làm cho cuộc sống được hạnh phúc hơn.


Sắp có hướng dẫn cụ thể các địa phương cần làm gì để chuyển đổi số Cách làm mới trong quản lý nhà nước ngành TT&TTBộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Những việc hoàn toàn mới phải triển khai “từ trên xuống”, thay vì “từ dưới lên” như với các việc thường xuyên, đã có quy định.