Facebook bỏ thẻ tin tức tại một số nước châu Âu

Từ tháng 12/2023, người dùng Facebook tại Anh, Pháp và Đức không còn truy cập được vào một thẻ riêng để đọc tin tức.


Meta cho biết tin tức chỉ chiếm 3% những gì người dùng Facebook nhìn thấy. (Ảnh: Meta).

Ngày 5/9, Meta cho biết dự định bỏ thẻ Facebook News vào đầu tháng 12 đối với người dùng tại các nước châu Âu nhằm “điều chỉnh các khoản đầu tư tốt hơn vào các sản phẩm và dịch vụ mà mọi người đánh giá cao nhất”.


Công ty cũng nói thêm sẽ dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho video dạng ngắn như Reels. Hãng chia sẻ, tin tức chỉ chiếm chưa tới 3% những gì mọi người nhìn thấy trên bảng tin Facebook.


Meta sẽ tuân thủ nghĩa vụ của Facebook News với các nhà xuất bản trong các nước Anh, Pháp, Đức nhưng không ký thỏa thuận mới và cũng không có kế hoạch cung cấp sản phẩm mới cho họ.


Ra mắt năm 2019, thời điểm đó Facebook News có mục tiêu “đưa mọi người đến gần hơn với những câu chuyện ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”.


Quyết định ngừng Facebook News là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Meta để rời bỏ ngành công nghiệp tin tức. Gần đây, công ty chặn truy cập tin tức trên Facebook và Instagram tại Canada sau khi chính phủ thông qua Đạo luật tin tức trực tuyến, yêu cầu doanh nghiệp công nghệ trả phí nội dung cho báo chí.


Meta không đồng tình với luật của Canada và khẳng định quy định đã nói không đúng về giá trị mà các hãng tin nhận được khi sử dụng nền tảng của mình. Nó cũng dựa trên tiền đề không chính xác rằng Meta được hưởng lợi không công bằng từ nội dung tin tức chia sẻ trên các nền tảng của hãng.


Một số chuyên gia báo chí chỉ trích quyết định cấm người dùng Canada xem tin tức hay chia sẻ tin tức của Meta, cáo buộc nó sẽ dẫn đến sự gia tăng thông tin sai sự thật và ảnh hưởng tiêu cực đến các hãng tin địa phương.


(Theo CNBC)


Facebook bỏ thẻ tin tức tại một số nước châu Âu Google thà chặn người dân Canada đọc tin tức chứ không trả tiền cho báo chíĐạo luật Tin tức trực tuyến (C-18) của Canada được thông qua tuần trước buộc các hãng công nghệ như Google, Facebook phải đàm phán với các nhà xuất bản nội dung.