Bộ phận An toàn, cơ sở hạ tầng và không gian địa lý của Hexagon – Công ty chuyên về các giải pháp thực tế số kết hợp cảm biến, phần mềm và các công nghệ tự động, mới đây đã công bố hợp tác cùng hãng công nghệ Fujitsu phát triển các ứng dụng bản sao kỹ thuật số giúp dự báo và giảm thiểu các tác động của thiên tai và tai nạn giao thông.
Nhân dịp này, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Mattias Tidebrink, Phó Chủ tịch cấp cao, khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Bộ phận An toàn, cơ sở hạ tầng và không gian địa lý của Hexagon về việc ứng dụng công nghệ số nói chung, đặc biệt là AI trong phòng chống thiên tai và câu chuyện ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn tại Việt Nam.
Xin ông cho biết các giải pháp công nghệ có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam trong việc chống chịu với thiên tai?
Với vị trí địa lý đặc biệt trong vành đai gió mùa Đông Nam Á, Việt Nam phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khác nhau như bão, bão nhiệt đới, lũ lụt, lở đất và cháy rừng. Bản sao kỹ thuật số có thể giúp dự đoán và ứng phó dễ dàng hơn với những thảm họa này. Các khu vực có nguy cơ cao có thể được xác định trước để lãnh đạo thành phố có thể triển khai các nguồn lực và đội ứng phó phù hợp đến các khu vực bị ảnh hưởng và sơ tán người dân với thông báo đầy đủ.
Hexagon và Fujitsu đang phát triển các ứng dụng bản sao kỹ thuật số để tính toán mức độ và tác động của lũ lụt dựa trên dữ liệu lượng mưa, mô hình hoá phạm vi ảnh hưởng cũng như đưa ra phân tích dự báo thiệt hại. Từ phân tích này, các lãnh đạo thành phố có thể xây dựng kế hoạch ứng phó với thảm họa phù hợp.
Giải pháp của chúng tôi sử dụng các mô hình dự báo lũ lụt và dữ liệu lượng mưa để thực hiện các tính toán phức tạp, giúp mô hình hóa tình trạng lũ lụt, cũng như giải quyết các thách thức trên phương diện y tế, tài chính, các ngành công nghiệp phân phối. Điều này bao gồm dự báo thiệt hại cơ sở hạ tầng, xây dựng kế hoạch ứng phó thảm hoạ và ước tính mức độ thiệt hại.
Bên cạnh đó, giải pháp này cũng hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn cho các tuyến cứu hộ và hỗ trợ bảo vệ hạ tầng cơ sở trong điều kiện thời tiết bất thường và thảm họa thiên nhiên, nhờ vào các cảm biến ứng dụng công nghệ vạn vật kết nối – IoT và các dịch vụ dự báo thời tiết giúp theo dõi nhiệt độ và lượng mưa.
Bằng cách cung cấp cho các nhà lãnh đạo và quản trị viên phương tiện để điều phối và mô hình hóa dữ liệu trên nhiều lĩnh vực, bao gồm dược phẩm, giao thông, năng lượng và môi trường, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ bảo vệ người dân và hạ tầng xã hội khỏi nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm lũ lụt, thiên tai và những mối nguy hiểm khác trong bối cảnh thế giới ngày càng khó dự đoán.
Với vấn đề ách tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, đâu là những giải pháp mà Việt Nam nên tập trung để giải quyết, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, các ứng dụng bản sao kỹ thuật số có thể giúp duy trì giao thông thông suốt và hiệu quả ở các thành phố lớn hoặc hay tắc nghẽn như TP.HCM và Hà Nội bằng cách giám sát và giảm thiểu các yếu tố dẫn đến tắc nghẽn đường bộ và tai nạn giao thông.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, số người tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam năm 2022 lên tới xấp xỉ 6,4 nghìn người, tăng hơn 10,3% so với năm trước 2021 với khoảng 5,8 nghìn người.
Không ít các vụ tai nạn có nguyên nhân từ việc lái xe quá tốc độ cho phép, hoặc do chỉ dẫn đường bộ chưa chính xác và điều kiện giao thông đường bộ kém chất lượng. Để giảm thiểu tai nạn, điều quan trọng cần làm là lập sơ đồ các địa bàn thường xảy ra tai nạn, phân tích nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp.
Bằng cách kết hợp công cụ mô hình hóa không gian địa lý M. App Enterprise của Hexagon với các dịch vụ cơ sở hạ tầng của Fujitsu, 2 doanh nghiệp đã cùng nhau phát triển một ứng dụng giúp mô hình hoá các khu vực có tỷ lệ tai nạn giao thông cao; phân tích mật độ giao thông, thiết kế đường xá, hệ thống biển báo cùng nhiều yếu tố khác; và đưa ra các gợi ý có thể giúp giảm tai nạn giao thông, căn cứ theo bộ công cụ an toàn đường bộ của Chương trình Đánh giá đường bộ quốc tế (iRAP).
Một ứng dụng như vậy sẽ cho phép các nhà quy hoạch thành phố và quản lý đường bộ ở các thành phố như Hà Nội và TP.HCM phát triển mạng lưới giao thông an toàn hơn, hiệu quả hơn và linh hoạt hơn.
Với công nghệ trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không chỉ có chương trình nghiên cứu, phát triển AI mà còn ban hành cả chiến lược ứng dụng AI vào đời sống kinh tế xã hội. Ông bình luận gì về định hướng này?
Trí tuệ nhân tạo có tiềm năng trở thành nhân tố tạo nên những thay đổi mang tính thời cuộc, thúc đẩy những tiến bộ xã hội, kinh tế và quản trị. Việt Nam đã khởi động “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và AI sẽ là một thành phần quan trọng giúp đất nước đạt được tham vọng chuyển đổi số sâu rộng.
Tại Hexagon, chúng tôi cũng đang sử dụng AI để khai thác sức mạnh của dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả dữ liệu cảm biến và dữ liệu con người. AI có khả năng giúp chúng tôi thực hiện những phân tích dự đoán và mang lại những hiểu biết quan trọng, đồng thời thông báo các hành động hỗ trợ giúp tạo ra một thế giới an toàn hơn và linh hoạt hơn.
Việt Nam là một nền kinh tế năng động với dân số trẻ, tài năng và mong muốn áp dụng công nghệ mới. Chúng tôi tin tưởng rằng các chương trình, chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh và đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển nền tảng công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng ViệtBộ TT&TT đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 1 nền tảng công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, có khả năng cung cấp dịch vụ cho các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác.