Ngôi sao đang lên của khởi nghiệp
Năm 2022, theo nhận định của Quỹ Golden Gate Ventures (Singapore), Việt Nam là “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á, là một trong 3 Tam giác vàng khởi nghiệp của Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ như công nghệ tài chính, game, giáo dục, y tế - chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử. Việt Nam hiện có 4 kỳ lân công nghệ là Momo, VNG, VNLife và Sky Mavis.
Tuy tổng số vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 sụt giảm nhưng số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với năm 2021. Giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10-50 triệu USD tăng nhẹ, các công ty đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Điều đó cho thấy một lượng lớn các công ty startups Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn.
Fintech tiếp tục thu hút đầu tư Lĩnh vực Dịch vụ Tài chính nhận được số vốn đầu tư nhiều nhất với mức tăng mạnh mẽ 248%. Tiếp sau đó là lĩnh vực bán lẻ, y tế giáo dục và thanh toán. Giữa “mùa đông gọi vốn”, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các công ty khởi nghiệp Việt Nam, số lượng quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong năm qua.
Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company, với mức tăng trưởng 15% về các giá trị thương vụ từ nửa đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, nguồn vốn công nghệ vẫn được duy trì mạnh mẽ và Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng thu hút các khoản đầu tư công nghệ, bất chấp việc các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn trong tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại.
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.
Để đạt được mức kỷ lục giá trị vốn đầu tư startup như năm 2021, một số chuyên gia thị trường có thể đạt mốc trên 1 tỷ USD vốn đầu tư từ năm 2025.
Đòn bẩy từ sân nhà
Trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho doanh nghiệp…Hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp được xây dựng, các Trung tâm đổi mới sáng tạo được quan tâm đầu tư phát triển. Các buổi đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ với cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thường xuyên được tổ chức, qua đó thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
"Năm 2022, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế số ở Đông Nam Á với mức tăng 28% so với năm ngoái, từ 18 tỷ USD lên 23 tỷ USD. Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh gấp hai lần GDP cho đến năm 2030 (19% so với 9%). Đây là dấu hiệu đáng khích lệ khi Việt Nam chuyển từ khả năng phục hồi sang chế độ tái tạo", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 và công bố “Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023" vào cuối tháng 3 vừa qua.
Bất chấp những khó khăn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, Việt Nam đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Nhiều lĩnh vực tại Việt Nam vẫn tạo được sức hấp dẫn trong bối cảnh nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm thận trọng hơn trong việc lựa chọn dự án để rót vốn.
Được thành lập vào năm 2019 với mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã triển khai nhiều sáng kiến góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc tạo ra môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư trong nước, đồng thời thu hút nguồn vốn quốc tế.
Trung tâm cung cấp nguồn lực dưới nhiều hình thức cho các doanh nghiệp, đồng thời tham gia xây dựng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều công ty và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, NIC cũng cung cấp các chương trình đào tạo, hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong mỗi doanh nghiệp.
Trên 800 công ty được NIC hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các lĩnh vực: Nhà máy thông minh, Thành phố thông minh, An ninh mạng Truyền thông số, Năng lượng xanh, Bán dẫn, Công nghệ môi trường, Công nghệ Y tế.
Đây đều là những lĩnh vực nằm trong Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, được dự báo phát triển mạnh trong cách mạng công nghiệp 4.0, đưa đổi mới sáng tạo trở thành một động lực mạnh mẽ cho đất nước trong giai đoạn tới.
Trong đó, nhà máy thông minh – Chìa khóa cho ngành công nghiệp 4.0, ước đạt 153,7 tỷ USD vào năm 2019 và con số này được dự báo sẽ tăng đạt mức 244,8 tỷ USD vào năm 2024 theo quy mô toàn cầu (Theo Statista. 2021. Industry 4.0: smart factory market size worldwide 2019/2024)
Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, IoT, Big Data, hệ sinh thái 5G mạnh mẽ, bao gồm cả phần cứng và phần mềm... đang nổi lên như một thị trường đầy hứa hẹn cho các giải pháp nhà máy thông minh tiên tiến.
Với lĩnh vực An ninh mạng truyền thông số, Công ty nghiên cứu thị trường Statista dự báo, thị trường an toàn thông tin sẽ tăng trưởng vượt bậc, đạt khoảng 350 triệu USD. So với khu vực, quy mô thị trường an toàn thông tin mạng Việt Nam được dự đoán sẽ đứng thứ nhất ASEAN với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 16% từ năm 2015 đến 2025.
Không phải ngẫu nhiên mà ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025, thị trường an ninh mạng đạt quy mô trên 500 triệu USD; thị phần trong nước đạt trên 50%; tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt đạt 35 - 45%/năm.
Để đạt mục tiêu và làm chủ thị trường rộng lớn đầy tiềm năng của các lĩnh vực này, cần rất nhiều đòn bẩy từ Chính phủ, các Bộ ban ngành, tổ chức.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát triển từ năm 2018, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học người Việt có trình độ cao làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn và các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trên thế giới để tham gia kết nối, hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước. Đến nay Mạng lưới đã tập hợp hơn 1600 thành viên tại gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Trung tâm đã thúc đẩy thành lập 08 Mạng lưới Đổi mới sáng tạo thành phần tại Đức, Nhật Bản, Úc, Châu u, Hàn Quốc, Đài Loan và Bờ Đông, Bờ Tây Hoa Kỳ để cụ thể hóa các hoạt động và kết nối hợp tác, hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Nhiều năm qua, NIC đóng vai trò là cầu nối giữa các công ty khởi nghiệp sáng tạo và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy dòng vốn mạo hiểm chảy vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Kể từ năm 2019, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam – Vietnam Venture Summit do Trung tâm phối hợp Quỹ Golden Gate Ventures tổ chức đã trở thành một sự kiện thường niên, là nơi quy tụ, kết nối hiệu quả các quỹ đầu tư quốc tế với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Và trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ đô la Mỹ.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tập trung hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở của Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm nay nhằm thu hút các đối tác lớn trong nước và quốc tế tham gia đầu tư, phát triển công nghệ và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Với những kết quả như trên, Trung tâm đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế tiên phong để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trở thành nơi hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Truy cập để biết thêm thông tin về sự kiện:
Lấy link