Trước đó, MoU nói trên đã được các thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN5 ký kết vào ngày 14/11/2022 tại Bali, Indonesia, bên lề Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với tư cách là sáng kiến hợp tác của Indonesia trong năm chủ tịch G20 năm 2022. Theo thỏa thuận này, các thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN5 cam kết thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, minh bạch, toàn diện hơn với chi phí thấp hơn; đảm bảo quyền và lợi ích của người dùng.
Cũng theo nội dung MoU, các ngân hàng trung ương thành viên thống nhất thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới trên cơ sở ứng dụng các phương thức thanh toán như QR Code, thanh toán nhanh và các mô hình thanh toán khác, cũng như hợp tác giám sát và xây dựng cơ chế quản lý rủi ro lành mạnh, phù hợp với khuôn khổ pháp lý của các quốc gia thành viên. Cơ chế triển khai MoU dưới nhiều hình thức đa dạng như đối thoại, giám sát, đánh giá và trao đổi thông tin.
Trong khuôn khổ Nhóm công tác về Hệ thống thanh toán ASEAN (WC-PSS), các thành viên đánh giá cao sáng kiến này của các ngân hàng trung ương ASEAN5 và khuyến khích sự tham gia của các thành viên ASEAN. Cho tới nay, đã có 9 liên kết trong lĩnh vực thanh toán song phương sử dụng mã QR giữa các quốc gia ASEAN đang hoạt động và thêm 10 liên kết nữa đang được phát triển. Trong khi đó, đối với lĩnh vực chuyển tiền, đã có 3 liên kết đi vào hoạt động và 5 liên kết đang được thiết lập.
Đánh giá cao các lợi ích và cơ hội tiềm năng từ sáng kiến này, SBV đã chủ động và phối hợp với các ngân hàng trung ương ASEAN5 hoàn tất các thủ tục để chính thức trở thành thành viên thứ 6 của MoU. Việc tham gia thỏa thuận này thể hiện cam kết hợp tác và hội nhập trong lĩnh vực thanh toán của SBV, phù hợp với định hướng của Chính phủ, SBV cũng như xu hướng hiện nay về thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới.
Sáng kiến này được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực ASEAN, phù hợp với lộ trình đẩy mạnh giao dịch thanh toán xuyên biên giới mà G20 đã đưa ra. Dự kiến, trong thời gian tới, sáng kiến sẽ tiếp tục xem xét mở rộng mạng lưới thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới không chỉ trong khu vực ASEAN mà cả với các quốc gia khác.
Với các lợi ích và cơ hội mà sáng kiến này đem lại, SBV tin tưởng rằng việc tham gia ký kết MoU lần này sẽ là động lực thúc đẩy phát triển các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch và nhiều lĩnh vực kinh tế khác, góp phần hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lấy link