Cổ phiếu VFS của VinFast có thêm một phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần trên Nasdaq khi tăng hơn 40% lên mức 68,77 USD/cp. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ước tính lên đến 1 tỷ USD. Như vậy, cổ phiếu VinFast đã tăng 5 phiên liên tiếp đẩy thị giá tăng gấp 4,5 lần.
Giá trị vốn hóa tương ứng tăng thêm 123 tỷ USD chỉ sau một tuần, lên đạt xấp xỉ 160 tỷ USD. Cú tăng tốc tuần qua của cổ phiếu VFS giúp VinFast thu hẹp khoảng cách với Toyota, đồng thời củng cố vững chắc vị trí thứ 3 trong danh sách các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới (tính theo vốn hóa).
Với 160 tỷ USD vốn hóa, VinFast đã bỏ xa hàng loạt tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô như Porsche, BYD, Mercedes, BMW, Volkswagen, Stellantis, Ferrari,… Đáng chú ý, vốn hóa của hãng xe điện Việt Nam còn lớn hơn tổng giá trị của 2 nhà sản xuất ô tô siêu sang nổi tiếng là Mercedes và BMW cộng lại.
Còn xét trên tất cả các ngành nghề, con số 159,7 tỷ USD này đã giúp cho VinFast tăng đến 92 bậc trong danh sách các công ty có vốn hóa lớn nhất toàn cầu, vươn lên vị trí thứ 65 thế giới. Với vị trí hiện tại, vốn hóa của hãng xe điện này còn vượt qua cả những tên tuổi nổi tiếng như Dior, Walt Disney, Nike, Boeing Morgan Stanley, HSBC, Unilever, Qualcomn...
Trên bảng xếp hạng thế giới hiện nay, Apple vẫn đang là công ty có vốn hóa lớn nhất trên thế giới với mức 2.792 tỷ USD. Tiếp theo sau là một loạt các công ty công nghệ như Microsolf (2.399 tỷ USD), Saudi Aramco (2.236 tỷ USD), Alphabet (1.643 tỷ USD) hay Amazon (1.374 tỷ USD)...
Trong cuộc trò chuyện trên kênh truyền hình CNN mới đây, CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy cho biết VinFast đang có rất nhiều kế hoạch lớn phía trước. Hãng xe điện này đã niêm yết thành công. Cùng với thị trường chung đang phục hồi, việc niêm yết sẽ giúp ích cho công ty trong việc gọi vốn trong tương lai.
Hiện tại, VinFast đang có sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD. Khoản tiền này có thể giúp công ty thể hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận. Ban lãnh đạo hãng xe này cũng dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ đạt điểm hòa vốn và từ 2025 có thể đóng góp vào lợi nhuận cho Vingroup.
Riêng về cổ phiếu VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường. “Số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới” – CEO VinFast toàn cầu chia sẻ.
Lấy link