Ngày 25/8, trong khuôn khổ “Festival Thanh niên tiên phong Chuyển đổi số” năm 2023 do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở TT&TT thành phố tổ chức, ứng dụng “Tuổi trẻ Đà Nẵng” được chính thức ra mắt.
Là nền tảng do Thành Đoàn Đà Nẵng chủ trì xây dựng với sự hỗ trợ của VNPT Đà Nẵng, ứng dụng “Tuổi trẻ Đà Nẵng” hướng tới trở thành công cụ kết nối các đoàn viên thanh niên, cung cấp những tiện ích phục vụ nhu cầu chính đáng của giới trẻ thành phố Đà Nẵng. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.
Ứng dụng “Tuổi trẻ Đà Nẵng” có các tính năng, tiện ích cơ bản như các nền tảng triển khai các cuộc thi trực tuyến do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Sinh viên thành phố tổ chức; quản lý công tác tình nguyện của thanh niên; hỗ trợ thanh thiếu nhi tìm kiếm thông tin về học tập, nghề nghiệp, công nghệ, sức khỏe...
Theo kế hoạch, thời gian tới, Thành Đoàn Đà Nẵng và VNPT Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng như: Quản lý và cung cấp thông tin các đợt hiến máu; Quản lý nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp và thông tin của đoàn viên thanh niên… Ngoài ra, các video thuyết minh về 86 địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng sẽ được gắn trên ứng dụng “Tuổi trẻ Đà Nẵng"…
Ngay trước đó, ngày 18/8, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở TT&TT công bố đưa vào vận hành nền tảng số nền tảng số "Đoàn Thanh niên" trên siêu ứng dụng Hue-S.
Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiện ích và kết nối 80.000 đoàn viên thanh niên trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nền tảng số “Đoàn Thanh niên” được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa các đoàn viên, thanh niên lên nền tảng số; đồng thời chuyển đổi số công tác điều hành, quản lý đoàn viên trên địa bàn toàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, các đoàn viên thanh niên là một lực lượng chính của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.
“Việc triển khai nền tảng số “Đoàn Thanh niên” cũng là nhằm mục đích đưa Đoàn Thanh niên sớm lên không gian số. Từ đó, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên thanh niên, xây dựng Đoàn Thanh niên số để phát huy vai trò xung kích của thanh niên, để đoàn viên thanh niên thực sự là lực lượng nòng cốt của các Tổ công nghệ số cộng đồng”, ông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.
Trong kế hoạch của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trong quý III và IV năm nay, Bộ sẽ hỗ trợ nền tảng số phục vụ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đối với các địa phương có nhu cầu. Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ cập nhật, bổ sung khóa học về phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng cho cán bộ chính quyền cấp huyện, cấp xã cũng như bổ sung khóa học về kỹ năng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà – MOOCs.
Trong phiên họp chuyên đề của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ đề “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ: Muốn chuyển đổi số toàn dân, toàn diện thì không cách nào khác là tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng bám sâu vào các địa bàn. Đến nay mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã bước đầu phát huy tác dụng, thời gian tới cần xây dựng cho lực lượng này một hệ công cụ hỗ trợ mạnh gồm các ứng dụng, nền tảng số và các thiết bị.
Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã được triển khai thí điểm trên toàn quốc từ tháng 3/2022. Theo thống kê của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, tính đến cuối tháng 7/2023, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư, với tổng số hơn 74.500 Tổ và gần 350.000 thành viên, trong đó 52 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.
Đánh giá tổng kết thí điểm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, Bộ TT&TT cho biết, hơn 1 năm qua, các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.
Với sự hỗ trợ của mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: Nền tảng VNeID, nền tảng học trực tuyến mở đại trà, Cổng dịch vụ công quốc gia, nền tảng thanh toán trực tuyến, nền tảng tuyển sinh trực tuyến, nền tảng khám chữa bệnh từ xa...
Theo Bộ TT&TT, trong tiến trình ứng dụng CNTT trước đây và chuyển đổi số hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác chuyển đổi số quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
"Đây là một kết quả đặc biệt đột phá. Tổ công nghệ số cộng đồng mang tính toàn dân, là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về chuyển đổi số trong tương lai”, báo cáo của Bộ TT&TT nêu rõ.
Sẽ tôn vinh địa phương triển khai hiệu quả hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồngCùng với việc tiếp tục phổ biến, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình và sáng tạo, Bộ TT&TT cũng dự kiến trong quý IV/2023 tổ chức tôn vinh, khen thưởng những địa phương triển khai hiệu quả hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng.