Chuyển đổi số trong đào tạo, sát hạch lái xe ở Đắk Nông

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong các hoạt động của tỉnh Đắk Nông, hiện nay, các cơ sở đào tạo đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học và sát hạch lái xe.


img_0984(1).jpg
Học viên học thực hành lái xe trên cabin điện tử.

Chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại


Tỉnh Đắk Nông hiện có 5 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, mô tô, trong đó 3 cơ sở vừa đào tạo, vừa đủ điều kiện tổ chức sát hạch cấp giấp phép lái xe (GPLX).


Thực hiện Thông tư số 04/2022 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở đã đầu tư, lắp đặt mô hình cabin điện tử, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe (DAT)… để phục vụ cho công tác giảng dạy.


Qua đó, các cơ sở từng bước nâng cao kỹ năng, phản xạ cũng như ý thức khi tham gia giao thông cho học viên.


Ngoài việc học luật, học lái xe trên đường và trong sa hình, các học viên còn phải học kỹ năng xử lý tình huống giao thông qua ứng dụng lái xe mô phỏng trên cabin điện tử.


Theo quy định, thời gian mỗi học viên học lái xe với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi ra tập lái trên đường. Như vậy, việc đưa cabin tập lái vào quá trình giảng dạy không chỉ giúp các đơn vị tiết kiệm được chi phí về nhiên liệu và phương tiện mà còn giúp học viên có thêm kỹ năng phản xạ, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.


Với phần mềm và cabin điện tử, học viên còn được trang bị thêm kỹ năng và cách phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông có thể xảy ra nhằm nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.


Học viên được hướng dẫn những thao tác cơ bản như khi ngồi trên phương tiện thực tế gồm thắt dây an toàn, vào số, xi nhan; thực hiện các bài tập về tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên nhiều địa hình đường đồi núi, đường trơn trượt, cách đưa phương tiện di chuyển lên phà…


Các cơ sở đào tạo cũng đã triển khai thực hiện phần mềm ứng dụng trên internet để người dân đăng ký học lái xe qua mạng và thanh toán học phí không dùng tiền mặt.


Điều này giúp các học viên không cần phải đến tận nơi các cơ sở đào tạo mà chỉ cần ngồi bên chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh là có thể làm các thủ tục đăng ký nhập học.


"Công việc kinh doanh của tôi khá bận rộn, giờ đây tôi không cần phải đến trực tiếp trung tâm để đăng ký học lái xe nữa mà tất cả chỉ cần ngồi bên chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh là tôi có thể làm các thủ tục đăng ký nhập học", anh Hồ Long Nhật - một người đang làm thủ tục đăng ký tham gia khóa học lái xe trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chia sẻ.


img_0964(1).jpg
Ngay từ khâu lập danh sách các học viên tham dự khóa học đã được các cơ sở đào tạo thực hiện trên máy tính thông qua hệ thống quản lý giấy phép lái xe, phần mềm với hệ thống quét ảnh học viên trực tiếp trong khi học nên tránh được tình trạng học hộ, thi hộ

Ngoài ra, danh sách học viên tham dự các khóa học đào tạo lái xe được thực hiên trên máy tính thông qua hệ thống quản lý điểm danh qua hình thức quẹt thẻ nhận dạng khuôn mặt. Trong quá trình học lý thuyết và thực hành (kể cả ở cabin điện tử và đường trường), hệ thống camera giám sát đều ghi lại toàn bộ các hoạt động của học viên cùng giáo viên.


Chuyển biến mới trong đào tạo, sát hạch lái xe


Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tất cả các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh lắp đặt thiết bị camera giám sát dạy lái đường trường. Sở tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo cũng như các kỳ thi cấp chứng chỉ tốt nghiệp; tổ chức sát hạch bài thi mô phỏng các tình huống giao thông…


Là một trong những đơn vị tích cực trong việc thực hiện chuyển đố số, Trung tâm Dạy nghề tư thục Đại Lợi, xã Thuận An (Đắk Mil) đã đầu tư, lắp đặt 4 mô hình cabin điện tử và trang bị thiết bị DAT cho 230 xe tập lái phục vụ công tác giảng dạy và thực hành của học viên.


Chia sẻ về cảm nhận khi ngồi sau vô lăng trên thiết bị cabin điện tử, anh Thái Sơn, học viên đang học lái tại cơ sở cho biết: “Thông qua cabin điện tử, tôi được trải nghiệm nhiều tình huống xử lý trên đường như đi trên đường trơn trượt, đèo dốc, đi trong thời tiết xấu… Qua đó, tôi được trau dồi thêm kiến thức xử lý tình huống khi ngồi sau vô lăng thực tế, góp phần nâng cao năng lực phản xạ và kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông”.


Ông Bùi Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục Đại Lợi khẳng định: Từ khi áp dụng phần mềm mô phỏng tình huống giao thông, chúng tôi vừa giảng dạy nội dung từng tình huống, vừa hướng dẫn ôn tập và cách làm bài thi trên máy tính cho học viên. Điều này giúp học viên ôn luyện một cách hiệu quả, không bị bỡ ngỡ khi bước vào bài thi thật nên tỷ lệ học viên thi đạt nội dung này khoảng 80%.


Việc lắp đặt thiết bị DAT cho phép hiển thị thông tin và thông báo trạng thái hoạt động bằng đèn, âm thanh hoặc màn hình, kết nối máy chủ, trạng thái đăng nhập đăng xuất của giáo viên/học viên…


img_1007(1).jpg
Hệ thống DAT còn ghi nhận thay đổi người dạy và học trên xe bằng thẻ hoặc vân tay, xác thực người học qua camera.

Ngoài phần thi mô phỏng, phần thi sát hạch GPLX còn có nhiều đổi mới trong nội dung đào tạo đi đường trường. Cụ thể, trong quá trình học, học viên bắt buộc phải hoàn thành đủ quãng đường 710 km đối với hạng B1 số tự động; 810 km dành cho hạng B1, B2 số sàn và 825 km đối với hạng C.


Quá trình đào tạo lái xe đường trường đều được giám sát và ghi hình ảnh trực tiếp, truyền tải về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và lưu giữ trên phần mềm DAT.


Ngoài ra, DAT còn ghi nhận thay đổi người dạy và học trên xe bằng thẻ hoặc vân tay, xác thực người học qua camera. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong đào tạo lái xe, góp phần bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.


Thay vì việc gọi tên điểm danh khi học lý thuyết như trước thì giờ đây, các học viên chỉ cần quẹt thẻ để nhận dạng khuôn mặt vừa nhanh chóng tiện lợi, vừa giám sát học viên dễ dàng.


Đối với công tác sát hạch lái xe ô tô, việc trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong quá trình thi bằng lái được áp dụng với công nghệ hiện đại sẽ tự động chấm điểm, công khai hóa quá trình và kết quả sát hạch của từng thí sinh.


"Nhìn chung, các cơ sở chấp hành chỉ đạo trong việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe kịp thời, nghiêm túc. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lái xe, sát hạch được thực hiện đồng bộ, theo đúng lộ trình quy định", ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết.


Việc đẩy mạnh chuyển đổi số thay đổi phương thức kiểm soát chặt chẽ công tác đào đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, sát hạch lái xe. Cùng với sự vào cuộc sát sao, đồng bộ của các ngành chức năng, việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ngày càng được minh bạch, đáp ứng nhu cầu học, thi cấp GPLX của nhân dân.


Theo Nam Nguyễn (Báo Đắk Nông)









Chuyen doi so trong dao tao, sat hach lai xe o Dak Nong


Thuc hien chu truong chuyen doi so trong cac hoat dong cua tinh Dak Nong, hien nay, cac co so dao tao da day manh dau tu, ung dung cong nghe thong tin trong hoat dong day hoc va sat hach lai xe.

Chuyển đổi số trong đào tạo, sát hạch lái xe ở Đắk Nông

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong các hoạt động của tỉnh Đắk Nông, hiện nay, các cơ sở đào tạo đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học và sát hạch lái xe.
Chuyển đổi số trong đào tạo, sát hạch lái xe ở Đắk Nông
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: