Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Krishna nhận xét AI tạo sinh và mô hình ngôn ngữ lớn có tiềm năng tăng hiệu quả cho quy trình làm việc của mọi doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa có thể làm cùng một việc nhưng với số lượng nhân sự ít hơn. “Tôi thực sự tin rằng những vị trí đầu tiên bị ảnh hưởng ở đây là khối văn phòng, cổ cồn trắng”, người đứng đầu IBM chia sẻ.
Ông Krishna bổ sung, tình trạng giảm phát trong nhân khẩu học dẫn đến suy giảm trong quy mô dân số thuộc độ tuổi lao động. Vì vậy, cần phải đạt được năng suất nếu không chất lượng cuộc sống sẽ đi xuống. “Theo tôi, AI là câu trả lời duy nhất của chúng ta”, ông nói.
Nhu cầu bùng nổ đối với các chatbot AI như ChatGPT của OpenAI thúc đẩy các doanh nghiệp khác ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn riêng. IBM là một trong những hãng theo đuổi AI sớm nhất khi đầu tư và phát triển nền tảng riêng rất lâu trước “cơn sốt” ChatGPT.
Từ năm 2004 đến 2011, công ty tập trung vào siêu máy tính Watson để dần rời bỏ phần cứng máy tính, đặc biệt sau khi bán bộ phận PC cho Lenovo năm 2005.
Tháng 5/2023, IBM giới thiệu WatsonX, công cụ cho phép khách hàng phát triển, đào tạo và triển khai mô hình máy học. Cũng trong tháng này, Bloomberg đưa tin IBM dự định tạm dừng tuyển dụng các vị trí mà họ cho là có thể bị AI thay thế. Tháng 1/2023, CNBC xác nhận IBM muốn cắt giảm 3.900 việc làm.
Theo báo cáo thường niên năm 2022, IBM và các công ty con tuyển dụng 288.300 nhân sự tại hơn 175 quốc gia.
Ông Krishna cho rằng AI sẽ không thay thế hoàn toàn nhân viên văn phòng trong 5 năm tới mà chúng làm việc cùng với con người. “Chúng ta càng có nhiều lao động, thêm nhiều GDP được tạo. Tất cả chúng ta nên cảm thấy tốt hơn vì điều đó”, CEO IBM bày tỏ.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 5/2023, ông nói AI sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn số lượng mà nó thay thế. Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cũng bình luận tương tự vào tháng 6/2023: AI tạo đột phá cho thị trường lao động nhưng không hủy diệt việc làm hoàn toàn. Ông nói thêm, công nghệ cuối cùng giúp con người làm việc hiệu quả hơn.
Ông Krishna gia nhập IBM năm 1990, nhậm chức CEO tháng 4/2020 và trở thành Chủ tịch tháng 1/2021. Trong email gửi đến nhân viên vào buổi sáng đảm nhận vị trí CEO, ông nói sẽ tập trung vào AI và đám mây hybrid vì đây là các công nghệ cốt lõi của tương lai.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý II vào tháng 7, ông thường nhắc đến tầm quan trọng của AI trong hoạt động công nghệ thông tin, tăng cường tự động hóa, cải thiện dịch vụ khách hàng, hỗ trợ nhân sự hành chính… Dữ liệu và các sản phẩm AI tăng trưởng nhanh nhất trong bộ phận phần mềm của IBM trong quý II.
(Theo CNBC)
Nhà mạng Hàn Quốc đầu tư 100 triệu USD vào startup trí tuệ nhân tạoSK Telecom, nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc, cho biết sẽ đầu tư 100 triệu USD vào công ty trí tuệ nhân tạo Anthropic của Mỹ nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực AI.