Pi Network (hay còn gọi là đồng Pi) là một loại tiền mã hóa được biết tới nhiều tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây. Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn làm giàu nhanh chóng từ tiền ảo, một số dự án đã quảng cáo thổi phồng về giá trị của đồng Pi để lôi kéo đông đảo người chơi tham gia. Đến giờ thì đồng Pi vẫn vô giá trị.
Tuy nhiên, trong một số hội nhóm trên mạng xã hội đã diễn ra tình trạng giao dịch, trao đổi hàng hóa bằng đồng tiền này dưới dạng "đồng thuận", tức tự thỏa thuận giá với nhau. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến nguy cơ lừa đảo. Bên cạnh đó, người dùng còn đối mặt với khả năng cao bị lộ, lọt thông tin cá nhân.
Để đào Pi, người dùng cần tải ứng dụng về điện thoại, xác minh đăng nhập và thực hiện điểm danh mỗi ngày. Rủ được càng nhiều bạn chơi trong mạng lưới, xu càng tăng nhanh.
Từng hy vọng kiếm được một số tiền lớn từ công việc này nhưng sau một thời gian dài không có gì thay đổi, có người đã bắt đầu hoài nghi về số phận của đồng Pi.
"Khi mình tham gia cũng thấy nó hơi giống một dự án đa cấp. Mọi người cứ rủ nhau vào chơi càng nhiều sẽ đào được càng nhiều. Mọi người luôn kỳ vọng sẽ có một sự kiện gì đấy để đồng Pi này có giá trị nhưng mà qua mấy năm đợi mãi cũng chưa có gì. Dần thì mọi người cũng chán và bỏ đi dần. Có nhiều người tôi biết họ nhận mua hàng bằng Pi, cuối cùng là họ mất hàng, họ thu được một đống Pi nhưng cũng chả làm được gì" - một người tham gia Pi Network chia sẻ.
Ứng dụng đào Pi cũng yêu cầu người dùng phải thực hiện xác minh danh tính bằng các giấy tờ tùy thân. Ứng dụng yêu cầu tới 28 quyền truy cập bao gồm: đọc danh bạ, xem thông tin mạng, sử dụng phần cứng sinh trắc học… Đây đều là những thông tin cá nhân quan trọng, nếu bi lộ, lọt có thể tiếp tay cho những đôi tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, với cơ chế hoạt động định kỳ hàng ngày vào ứng dụng để điểm danh thì nguy cơ đầu tiên là nguy cơ bị lộ, lọt dữ liệu khi các thông tin được chuyển ra máy chủ nước ngoài. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện nguy cơ bị lừa cài phần mềm giả mạo, chiếm quyền điều khiển điện thoại, từ đó đánh cắp thông tin hoặc chiếm đoạt tiền.
Thời gian qua, trên các cộng đồng Pi Network tại Việt Nam, xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ các giao dịch bằng Pi. Nhiều người cho biết đã mua bán thiết bị điện tử, thực phẩm… bằng Pi hoặc trao đổi Pi với giá gần 1 USD. Theo quy định, việc giao dịch hàng hóa bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật Việt Nam, do đó, người tham gia - cả bên bán và bên mua - có thể đối mặt với rủi ro pháp lý.
Thiếu tướng Lê Xuân Minh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an - cho biết: "Cục an ninh mạng cũng đang phôi hợp với công an các địa phương để chúng ta làm rõ các hoạt động này. Sẽ không có hoạt động kinh doanh nào mà có được mức lợi nhuận cao như vậy trên các môi trường không gian mạng. Những dấu hiệu của hoạt động lôi kéo, hoạt động đa cấp luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi tham gia vào các mô hình này".
Chưa thể khẳng định Pi Network có phải mô hình lừa đảo hay không. Tuy nhiên, người tham gia cần hết sức cân nhắc khi đầu tư thời gian, công sức hay tiền bạc vào bất cứ loại tiền ảo nào, không riêng gì Pi Network. Đặc biệt, cần thận trọng khi cung cấp các dữ liệu cá nhân cho các nền tảng này bởi không thể biết các dữ liệu này sẽ được dùng vào việc gì.
Lấy link