Nhóm G7 sẽ có quy tắc chung về quản lý AI sinh tạo

Nhóm G7 đang xây dựng dự thảo quản lý AI sinh tạo với nội dung do chính phủ Nhật Bản đề xuất, trong đó các công ty công nghệ lớn phải minh bạch thông tin về dịch vụ họ đang cung cấp.


Đồng thời, khuyến nghị này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp nhóm các quốc gia phát triển (G7) vào tháng 9 tới đây.


Hiện Nhật Bản đang giữ chức chủ tịch G7 luân phiên. Các quốc gia cũng đang xem xét quy tắc quản lý AI thông qua một quy trình tại Hiroshima - diễn đàn cấp nội các để thảo luận về công nghệ này.


"Chúng tôi dự định đi đầu trong các cuộc thảo luận hướng tới việc hình thành quy tắc quốc tế", Takeaki Matsumoto, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông, cho biết trong cuộc họp chiến lược của chính phủ Nhật Bản tuần trước.


Dự kiến, G7 sẽ ban hành quy tắc chung về quản lý AI sinh tạo vào cuối năm nay.

Hướng dẫn về AI ở giai đoạn phát triển sẽ nhắm mục tiêu đến các công ty có quy mô nhất định, chẳng hạn như OpenAI và Google. Họ sẽ được yêu cầu công khai cơ chế và tính năng đằng sau công nghệ được phát triển.


Nhà phát triển được khuyến khích công bố những rủi ro đằng sau AI và giải thích các biện pháp được đưa ra để ngăn chặn rủi ro từ dữ liệu đầu vào và đầu ra có thể dẫn đến hành vi thiên vị hoặc tội phạm.


Chẳng hạn, các nguyên tắc bao gồm việc kêu gọi các nhà phát triển tạo các điểm liên hệ, nơi người dùng có thể yêu cầu chỉnh sửa nội dung không phù hợp hoặc không chính xác do chương trình AI sinh tạo đưa ra.


Ở giai đoạn người dùng cuối, nguyên tắc nhấn mạnh trách nhiệm của các công ty trong việc hạn chế sử dụng các chương trình AI tổng quát để phân biệt đối xử hoặc phạm tội, trong số các hành vi không phù hợp khác.


Theo Nikkei Asia, tại các cuộc thảo luận của G7, đang có sự khác biệt giữa cách tiếp cận của Mỹ về việc để các doanh nghiệp tự điều chỉnh đối với quan điểm của Liên minh châu Âu về các quy tắc cần có sự ràng buộc. Ví dụ, các quy định của EU được đề xuất sẽ yêu cầu tiết lộ nội dung do AI tạo ra. Người dùng sẽ có nghĩa vụ tạm dừng sử dụng các hệ thống AI có rủi ro cao nếu gặp sự cố.


Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ sớm ban hành lệnh hành pháp liên quan đến công nghệ này. Bảy công ty AI lớn tại đây đã ký kết một bộ quy tắc tự điều chỉnh vào cuối tháng 7 và lệnh hành pháp sẽ mang lại vị thế pháp lý cho thỏa thuận.


Bên cạnh đó, Washington được cho sẽ đưa ra các lệnh hạn chế đầu tư Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm tại Trung Quốc trong tuần này. Mục tiêu của lệnh hành pháp mới nhắm vào các công ty cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư và doanh nghiệp liên doanh hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.


Việc siết chặt dòng tiền đầu tư cho thấy Mỹ đang “lấp khoảng trống” các quy định hiện tại. Cordell Hull, cựu quan chức Bộ Thương mại nói rằng “Chúng ta có các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ và quy định mới về đầu tư sẽ giúp thu hẹp khoảng trống luân chuyển của dòng tiền và bí quyết công nghệ”.


Theo đó, quy định mới dự kiến không có hiệu lực ngay lập tức mà chính phủ sẽ thu thập thêm ý kiến bình luận từ các bên. Washington đã tiến hành các cuộc họp tham vấn với đồng minh và các bên liên quan vấn đề này.


(Theo Nikkei Asia)


AI sinh tạo trở thành tâm điểm tiếp theo cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

AI sinh tạo trở thành tâm điểm tiếp theo cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

AI sinh tạo sẽ trở thành mặt trận tiếp theo, sau bán dẫn, trong cuộc chiến công nghệ Mỹ và Trung Quốc
G7 kêu gọi áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI

G7 kêu gọi áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI

Lãnh đạo các nước G7 hôm 20/5 kêu gọi phát triển và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI, sau khi EU tiến gần đến việc thông qua quy định quản lý công nghệ này.