Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai

Ngày 18/7, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị chuyên đề ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp năm 2023.


Hội nghị được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề cần đặt ra trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ thực trạng phát triển sản xuất đến xây dựng các chính sách có liên quan, đề xuất những giải pháp, khắc phục hạn chế với mục tiêu hỗ trợ hội viên, nông dân, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh. Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này, do đó cần tiếp tục vận động hội viên, nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.


Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm nhằm giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng những phương pháp ưu việt của các công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.


Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.


Trồng rau xanh cung cấp cho các đô thị tại Đồng Nai. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã rà soát, xác định 98 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 18.970 ha, trong đó có 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình cây dược liệu Xáo Tam phân, Sa chi; mô hình nuôi lươn không bùn tại xã An Viễn, Sông Trầu; mô hình trồng chuối cấy mô gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Trung Hòa; mô hình trồng rau an toàn tại xã Phú Lâm...


Đẩy mạnh quy trình sản xuất nông nghiệp tốt


Trưởng phòng Kinh tế TP.Long Khánh Nguyễn Bích Hạnh cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất được UBND thành phố quan tâm, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi.


Trong trồng trọt, TP.Long Khánh đã sử dụng các biện pháp thích hợp để xử lý cây chôm chôm ra hoa sớm; kỹ thuật thâm canh cây lúa, bắp, rau kết hợp với sử dụng giống mới, chất lượng tốt, chọn lọc lai ghép một số loại cây trồng, vật nuôi có ưu điểm tại địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng.


TP.Long Khánh đã hình thành và phát triển 17 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực với tổng diện tích 408,4ha. Các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) được đẩy mạnh áp dụng. Thành phố đã cấp 24 mã vùng trồng trên các loại cây chôm chôm, sầu riêng, mít, chuối, thanh long và 7 cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hồ sơ cấp 9 mã vùng trồng sầu riêng cho 176/283 hộ dân.


Trong chăn nuôi, theo bà Bích Hạnh, có nhiều cơ sở đã ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình chăn nuôi trong chuồng lạnh, mô hình làm mát trong chăn nuôi heo sinh sản, mô hình sử dụng đệm lót sinh học, xử lý nước thải, chất thải bằng biogas hoặc các hệ thống xử lý đảm bảo môi trường.


Việc áp dụng các giống vật nuôi mới, tốt đạt trên 90%. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) được áp dụng rộng rãi. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ treo gia súc, gia cầm hiện đại để đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ. TP.Long Khánh hiện có 36 trang trại được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, 32 trang trại được chứng nhận VietGAHP…


Đồng Nai tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ năng suất cao, có chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân Đồng Nai tích cực tham gia, là giải pháp có tính khả thi cao nhất trong phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm nông sản an toàn và bền vững.


T.H









Ung dung cong nghe cao trong san xuat nong nghiep o Dong Nai


Ngay 18/7, Hoi Nong dan tinh Dong Nai to chuc Hoi nghi chuyen de ung dung cong nghe cao trong san xuat nong nghiep nam 2023.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai

Ngày 18/7, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị chuyên đề ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp năm 2023.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: