Trong năm 2023, tất cả các thị trường chính của chip như điện thoại thông minh, PC và trung tâm dữ liệu, đều bị thu hẹp đáng kể do khách hàng doanh nghiệp và tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, lạm phát phi mã cùng lãi suất tăng cao.
Các yếu tố tiêu cực tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung chưa từng có đối với mặt hàng chip tiêu dùng. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2023, hai nhà sản xuất xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới hiện tại là Samsung và SK Hynix, đã gánh khoản lỗ hoạt động lên đến 15,2 ngàn tỷ Won (tương đương 12 tỷ USD).
Dữ liệu từ nhà phân tích công nghệ Canalys cho thấy cán cân cung cầu bán dẫn đã được cải thiện với việc cắt giảm sản xuất và lượng PC xuất xưởng chỉ còn giảm khoảng 11% vào tháng 6/2023, so với mức 30% của hai quý trước đó.
Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, thị trường điện thoại thông minh cũng đang được cải thiện khi doanh số smartphone giảm 8% trong 3 tháng gần nhất so với mức giảm 14% của quý I/2023.
“Nhu cầu đang phục hồi nhưng rất chậm”, Woohyun Kim, giám đốc tài chính SK Hynix cho biết trong cuộc họp báo cáo doanh thu của công ty. “Sự cải thiện về các lô hàng PC chủ yếu đến từ những chương trình khuyến mãi và mẫu máy cấp thấp, điều này có nghĩa nó có tác động hạn chế với việc phục hồi nhu cầu chip nói chung”.
Mặc dù nhu cầu về chip hỗ trợ AI sinh tạo tăng lên nhanh chóng kể từ khi ChatGPT của OpenAI ra mắt vào cuối năm 2022, lĩnh vực này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu chip, thậm chí còn làm giảm chi tiêu của một số công ty cho máy chủ do họ chuyển hướng đầu tư vào AI.
Ngoài ra, sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc, thị trường chip lớn nhất thế giới, cũng làm giảm triển vọng chung toàn ngành.
Cả Samsung và SK Hynix chung nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại không đáp ứng kỳ vọng về tốc độ hồi sinh thị trường smartphone, đồng thời nói rằng họ đang mở rộng cắt giảm sản xuất chip nhớ NAND vốn được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị di động cầm tay lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số.
Tương tự, Texas Instruments (TI), nhà sản xuất chip có mối quan hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc, dự báo doanh thu và lợi nhuận quý II/2023I sẽ dưới kỳ vọng của phố Wall do nhu cầu phục hồi chậm buộc đối tác phải huỷ đơn hàng.
Theo Logan Purk, chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư Edward Jones, đến cuối năm tài chính 2022, Trung Quốc chiếm “một nửa doanh số bán hàng của TI”.
AI là điểm sáng
Các nhà sản xuất thiết bị đúc chip như KLA Corp và Lam Research là những cái tên hưởng “quả ngọt” từ sự bùng nổ AI. Cả hai công ty đều dự báo doanh thu quý cao hơn ước tính phố Wall.
“Các máy chủ AI tiên tiến có hiệu suất cao hơn đáng kể so với máy chủ truyền thống. Với mỗi 1% gia tăng của máy chủ và trung tâm dữ liệu AI sẽ thúc đẩy khoản đầu tư bổ sung từ 1 cho đến 1,5 tỷ USD”, CEO Tim Archer tại Lam Research nói.
Các nhà sản xuất chip cũng đang tăng cường sản xuất vi xử lý cao cấp dùng trong hỗ trợ chip AI.
SK Hynix cho biết nhu cầu về bộ nhớ máy chủ AI đã tăng gấp đôi trong quý II/2023 sao với ba tháng đầu năm. Trung bình, giá các chip DRAM - bộ phận chứa thông tin của các ứng dụng chạy trên hệ thống, đã tăng lên so với quý I/2023.
Theo TrendForce, nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đang là công ty dẫn đầu thị trường DRAM băng thông cao (HBM) dùng trong AI sinh tạo, với 50% thị phần của năm 2022, xếp sau đó là 40% của Samsung và 10% từ Micron.
(Theo Reuters)
Bán dẫn thế giới: Từ khan hiếm đến dư thừa
Cuộc khủng hoảng bán dẫn trong đại dịch Covid-19 đã chuyển sang trạng thái dư thừa, gây thiệt hại cho một số nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Foxconn đầu tư bán dẫn tại Ấn Độ: Khai trương tưng bừng, âm thầm đóng cửa
Foxconn, nhà lắp ráp chính của Apple, cũng chưa thể chen chân vào cuộc chơi bán dẫn ngày càng nóng giãy.
Mắc kẹt giữa cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung, công ty sản xuất thiết bị đúc chip hàng đầu thế giới khẳng định không bị tác động đáng kể bởi các hạn chế xuất khẩu, đồng thời nâng triển vọng tăng trưởng trong năm 2023.