Khó khăn trong việc lắp đặt các trạm thu phát sóng - BTS tại địa phương là một trong những vấn đề đã được các doanh nghiệp viễn thông nhiều lần phản ánh. Giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này một lần nữa đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT hồi cuối tháng 6.
Trao đổi tại phiên thảo luận của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng số, trong đó hạ tầng viễn thông là 1 trong 4 thành phần chính. “Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Người đứng đầu ngành TT&TT lưu ý các Sở TT&TT phải làm quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông tại địa phương, không chỉ phục vụ việc dùng chung hạ tầng, mà còn bao gồm vấn đề đặt ra các mục tiêu phát triển hạ tầng về phổ cập, chất lượng, tốc độ, điều phối các nhà mạng đầu tư. Sau khi có quy hoạch, chính quyền các cấp còn cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông trong phát triển hạ tầng, ngày 18/7 vừa qua, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng.
Cùng với việc cảm ơn chính quyền các địa phương đã hợp tác chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông thời gian qua, Bộ TT&TT cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cấp phép để doanh nghiệp triển khai mạng di động thế hệ thứ năm - 5G với đặc điểm sử dụng tần số cao nên số lượng trạm BTS sẽ tăng lên khoảng gấp 2 lần so với số trạm hiện có.
Vì thế, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện một số nội dung công việc. Mục tiêu là nhằm đáp ứng yêu cầu về phủ sóng, tốc độ cho người sử dụng và nhanh chóng triển khai mạng 5G với mục tiêu 100% dân số được phủ sóng vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số và phát triển của các ngành, tăng cường chia sẻ dùng chung giữa các doanh nghiệp viễn thông và giữa các ngành trên địa bàn.
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố được đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành đưa định hướng xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động; định hướng việc tích hợp hạ tầng viễn thông thụ động với hạ tầng giao thông, xây dựng vào quy hoạch tỉnh, thành phố để làm sở cứ cụ thể hóa trong quy hoạch giao thông, xây dựng, quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động.
Tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về chia sẻ, sử dụng hạ tầng viễn thông thụ trong quá trình lập dự án, thiết kế, thi công, xây dựng tại tòa nhà có nhiều chủ sử dụng như chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn; công trình giao thông; khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; khu đô thị nhằm đảm bảo các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc tiếp cận tới khách hàng và cung cấp dịch vụ viễn thông với chất lượng cao.
Đồng thời, tăng cường việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông dọc đường, phố, hè phố, cầu, cống, đường giao thông, hạ tầng chiếu sáng, cấp nước, thoát nước.
Đối với việc xác định giá thuê, đăng ký giá thuê, niêm yết giá thuê, hiệp thương giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, Bộ TT&TT nêu rõ, việc này theo đúng quy định tại Nghị định 72 năm 2012 của Chính phủ về về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật và Thông tư liên tịch số 210 năm 2013 giữa 3 bộ: Tài chính, Xây dựng, TT&TT về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Cũng trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ TT&TT cho biết thêm, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Chính phủ đã quyết nghị về việc lắp đặt các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông di động trên tài sản công: “Chính phủ thống nhất cho phép tiếp tục duy trì các trạm BTS đã lắp đặt trên tài sản công (không xem xét việc lắp đặt, xây dựng mới trạm BTS) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ”.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng, tham mưu Quốc hội, Chính phủ về dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, trong đó xem xét có quy định để tháo gỡ nội dung này.
Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nội dung Nghị quyết của Chính phủ để bảo đảm ổn định về vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ viễn thông. Quá trình triển khai, Bộ TT&TT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, các kiến nghị để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các bộ ngành hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Luật Viễn thông là cơ sở để xây dựng hạ tầng số siêu lớn, băng thông siêu rộngGiải trình và tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ hoàn thiện dự luật với mục tiêu xây dựng hạ tầng số dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, mở và an toàn.