Được phát động từ giữa tháng 6, OSM Hackfest 2023 là cuộc thi hướng đến chủ đề nâng cao nhận thức và kỹ năng làm chủ các công nghệ, nền tảng mã nguồn mở, bản đồ và dữ liệu mở trong thời đại chuyển đổi số với mục tiêu vì cộng đồng cho sinh viên khối ngành CNTT, khoa học máy tính, kỹ thuật.
OSM Hackfest 2023 cũng là sự kiện đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, bởi khoa CNTT , Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA).
Theo Ban tổ chức, với cuộc thi này, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội được sáng tạo, học tập, tiếp thu và thể hiện năng lực và kỹ năng về dữ liệu mở và công nghệ mở trong những dự án theo chủ đề mà đội thi lựa chọn.
Cụ thể, các sinh viên sẽ tham gia theo đội, mỗi đội tối đa 5 thành viên và các thành viên có thể đến từ các lĩnh vực khác nhau. Các dự án, ý tưởng dự thi cần hướng đến những lĩnh vực chuyên đề như: Chống chịu thiên tai và khí hậu, sức khỏe con người và an sinh xã hội, bình đẳng giới, thành phố và cộng đồng bền vững, di chuyển và di dân an toàn.
Yêu cầu đặt ra cho các dự án tham gia OSM Hackfest 2023 là các ý tưởng phải thể hiện rõ ràng việc sử dụng công nghệ mã nguồn mở và dữ liệu mở hoặc bổ sung thêm các công cụ, dịch vụ hỗ trợ (không giới hạn). Ý tưởng sáng tạo và mức độ liên quan của vấn đề cũng cần mô tả rõ ràng, thể hiện tính sáng tạo trong sản phẩm.
Trong thông tin mới chia sẻ với VietNamNet, đại diện Ban tổ chức cuộc thi OSM Hackfest 2023 cho biết, hiện đã chọn được 12 đội sinh viên sẽ góp mặt tại vòng thi chung kết diễn ra ngày 28/7. Theo đó, các nhóm sinh viên đã ứng dụng công nghệ mở và dữ liệu mở để phát triển sản phẩm, giải pháp tham gia giải quyết những vấn đề lớn của xã hội hiện nay.
Đơn cử như: Dự án “Phát triển hệ thống quản lý thành phố vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý chất thải trên địa bàn TP.HCM” của nhóm DJ gồm 2 sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất; dự án “Xây dựng app cảnh báo an toàn cho ngư dân đi biển” của nhóm HTTT cũng đến từ Đại học Mỏ - Địa chất; hay dự án “Website bán và giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường kết hợp với các ấn phẩm, video kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường” của nhóm SFIT Environment đến từ khoa CNTT, Đại học Giao thông vận tải.
Theo thống kê, trong 12 dự án của các đội giành quyền tham dự vòng chung kết OSM Hackfest 2023, có 5 dự án về lĩnh vực sức khỏe con người và an sinh xã hội, 3 dự án lĩnh vực chống chịu thiên tai và khí hậu, 3 dự án lĩnh vực thành phố và cộng đồng bền vững, 1 dự án về lĩnh vực di chuyển và di dân an toàn.
Trước khi đua tài tại vòng chung kết OSM Hackfest 2023, các đội thi có thời gian hơn 2 tuần để thực thi ý tưởng của nhóm mình, với sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia về công nghệ mở và dữ liệu mở trong nước cũng như ngoài nước.
Cuộc thi ứng dụng dữ liệu mở OSM Hackfest 2023 do khoa CNTT, Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) phối hợp tổ chức có thể coi như một hoạt động hưởng ứng năm dữ liệu quốc gia 2023.
Qua cuộc thi, các sinh viên sẽ có kinh nghiệm thực tế về sử dụng dữ liệu không gian miễn phí và phát triển các sản phẩm sử dụng công nghệ mã nguồn mở.
Phát triển dữ liệu mở cũng đã được Bộ TT&TT xác định là 1 trong 4 nhóm nội dung chủ yếu của kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia”, với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”.
Theo Bộ TT&TT, mở và chia sẻ dữ liệu cho các bên khai thác sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, xã hội cũng như tăng cường sự hợp tác giữa chính phủ với doanh nghiệp và người dân.
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã xác định, đến hết năm nay tất cả các bộ, ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, đến hết tháng 6/2023, số bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch cung cấp dữ liệu mở là 17, đạt tỷ lệ 19,7%; 17 bộ, ngành, địa phương đã triển khai cung cấp dữ liệu mở, đạt tỷ lệ 19,7%.
Việt Nam chọn cách đi 'thông minh hoá' bằng dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạoĐó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khi bàn về vai trò của dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo trong xu thế phát triển hiện nay của Việt Nam và thế giới.