Lời tòa soạn Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
VietNamNet mở tuyến bài "Cảnh báo lừa đảo trực tuyến" nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin và trang bị kỹ năng, kiến thức để không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm mới này.
Bài 1: Nghe cuộc gọi giả danh công an, tiền tỷ của giáo viên, giáo sư 'ra đi' phút chốc
Bài 2: Chiêu trò giả làm nhân viên ngân hàng tuyển người xử lý đơn
Bài 3: Mất tiền đau vì tin vào cuộc gọi Deepfake
Bài 4: Lừa đảo trên không gian mạng tăng mạnh sau đại dịch
Bài 5: Lừa đảo trực tuyến đang nhắm đến trẻ em và người cao tuổi
Bài 6: Thao túng tâm lý nạn nhân qua lừa đảo để chiếm đoạt tài sản
Bài 7: Thoát 'ma trận' lừa đảo trên mạng ở phút 89
Ngày 3/7, khách hàng N (thường trú tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đến phòng giao dịch LPBank Yên Minh để rút tiền tiết kiệm với tâm trạng bồn chồn, lo lắng.
Nhận thấy sự bất thường, giám đốc phòng giao dịch hỏi lý do rút tiền tiết kiệm. Bà N trả lời ấp úng và chỉ nói “rút tiền về cho con có việc gấp”.
Vị lãnh đạo này đã trì hoãn giao dịch để xác minh sự việc. Con của bà N cũng là khách hàng tại đây nên phòng giao dịch liên hệ và mời đến hỗ trợ.
Bà N chia sẻ, vài ngày trước có đối tượng lạ gọi điện cho chồng bà, tự xưng là “công an” tại thành phố Đà Nẵng. Họ nói rằng, nghi ngờ chồng bà liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu chuyển tiền đến một số tài khoản được chỉ định để “xác minh sự việc”.
Đến ngày 3/7, đối tượng giả danh công an tiếp tục gọi điện để tra hỏi thông tin. Biết được bà N có gửi tiết kiệm, người này nói thông tin của bà trùng với người buôn ma túy bị bắt, yêu cầu bà rút tiền tiết kiệm chuyển đến một số tài khoản được chỉ định để “công an để xác minh sự việc”.
Đối tượng giả danh công an yêu cầu bà N không được nói cho ai biết, bà luôn trong tâm trạng bất an mà không dám chia sẻ cùng ai.
Sau khi được nhân viên ngân hàng, giải thích đây là một vụ lừa đảo qua điện thoại, bà N đã bình tĩnh trở lại, không rút tiền tiết kiệm để chuyển cho đối tượng lừa đảo.
Trước đó ngày 21/6, một vụ việc tương tự xảy ra. Anh Đ.V.T (trú tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) đến LPBank Bắc Mê đề nghị rút tiền tiết kiệm.
Quan sát thấy khách hàng có biểu hiện bất thường, phòng giao dịch đã mời khách hàng lên phòng riêng để trao đổi nhằm trì hoãn giao dịch. Đồng thời, nhân viên ngan hàng liên hệ Công an huyện Bắc Mê hỗ trợ, cảnh báo các trường hợp lừa đảo đối với khách hàng.
Theo anh Đ.V.T, anh được một người lạ mặt gọi điện giới thiệu là “công an” tại thành phố Đà Nẵng, nói rằng anh liên quan đến vụ án ma túy tại Đà Nẵng. Họ yêu cầu anh chuyển tiền để giúp đỡ tránh liên quan đến vụ án này.
Đối tượng lừa đảo đã thao túng tâm lý anh Đ.V.T, yêu cầu anh ở khách sạn một mình suốt 2 tiếng (buổi trưa) để anh không được tiếp xúc với người khác. Khi đến giờ làm việc buổi chiều, đối tượng yêu cầu khách hàng ra rút tiền để chuyển cho “công an”.
Ngân hàng và Công an huyện Bắc Mê đã giải thích và trấn an cho khách hàng. Anh Đ.V.T bình tĩnh trở lại và không chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Không chỉ tại các tỉnh vùng cao, ngay tại một huyện của Hà Nội gần đây cũng phát hiện trường hợp tương tự. Ngày 24/6, Công an huyện Ba Vì phối hợp với chi nhánh Agribank Ba Vì kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền...
Trước đó, bà P.T.N (SN 1967, trú tại thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Bình Định. Họ cho biết, bà N. liên quan đến đường dây buôn bán ma túy lớn.
Tiếp đó, người này hướng dẫn bà N. mở một tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển tiền vào để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam.
Do lo sợ, bà N một mình đến ngân hàng Agribank để rút tiền từ sổ tiết kiệm và mở tài khoản chuyển tiền vào theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.
Tại chi nhánh ngân hàng, bà N. yêu cầu rút 260 triệu đồng tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, nhận thấy vẻ mặt hoang mang của khách hàng, nhân viên ngân hàng đã liên hệ với Công an huyện Ba Vì, cùng phối hợp giải thích rõ cho bà N. về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng. Kẻ xấu lợi dụng mạng viễn thông giả danh cán bộ công an để gây án, đồng thời tuyên truyền cho bà N. không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng.
Trước các vụ việc lừa đảo xảy ra, các ngân hàng đều khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo có nhiều phương thức lừa đảo rất tinh vi, chúng thao túng tâm lý của mọi người qua gọi điện thoại để lừa đảo. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, … cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa rõ thân nhân, lai lịch.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, công an,…để được tư vấn, hỗ trợ.
Cơ quan công an cũng khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc cán bộ công an gọi điện thoại yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), các đối tượng lừa đảo thường thuê người khác mở tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, một bộ phận người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi được các đối tượng lừa đảo “săn đón” trong việc thuê mở tài khoản. Thời gian gần đây, NHNN tiếp nhận nhiều văn bản của cơ quan công an các tỉnh, thành phố điều tra về các vụ án liên quan đến cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nghiêm cấm chiếm đoạt trái phép tài khoản. Nhưng việc cho thuê, cho mượn tài khoản lại không được quy định, nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính. “Thực tế chỉ bị xử phạt về mặt hành chính thì số tiền họ bị xử phạt cũng lớn hơn rất nhiều so với con số 300.000 – 500.000 đồng họ nhận được từ việc cho thuê tài khoản”, ông Phạm Anh Tuấn nói. Ông Tuấn cảnh báo việc cho mượn, cho thuê tài khoản dẫn đến hình thức lừa đảo, người cho thuê, cho mượn tài khoản không mất tiền. Tuy nhiên, nếu các đối tượng dùng tài khoản đó để đi vay tiền, chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường. Do đó, việc ngân hàng có thể tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện xác thực điện tử thì sẽ ngăn chặn được những hành vi lừa đảo, trong đó có những trường hợp như trên. NHNN đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc làm sạch dữ liệu khách hàng giúp phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều... |
Tội phạm thuê, mua tài khoản ngân hàng để lừa đảo, đi vay, hậu họa khôn lườngDo nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, một bộ phận người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi bị các đối tượng tội phạm săn đón, lợi dụng nhằm thuê mở tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo.