Lời toà soạn Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
VietNamNet mở tuyến bài "Cảnh báo lừa đảo trực tuyến" nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin và trang bị kỹ năng, kiến thức để không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm mới này.
- Bài 1: Nghe cuộc gọi giả danh công an, tiền tỷ của giáo viên, giáo sư 'ra đi' phút chốc
Bài 2: Chiêu trò giả làm nhân viên ngân hàng tuyển người xử lý đơn
Bài 3: Mất tiền đau vì tin vào cuộc gọi Deepfake
Bài 4: Lừa đảo trên không gian mạng tăng mạnh sau đại dịch
Bài 5: Lừa đảo trực tuyến đang nhắm đến trẻ em và người cao tuổi - Bài 6: Thao túng tâm lý nạn nhân qua lừa đảo để chiếm đoạt tài sản
Thực tế đã có không ít trường hợp mắc bẫy lừa đảo của những kẻ mạo danh công an, điều tra viên, đã thực hiện các bước để chuẩn bị chuyển tiền. Tuy nhiên, khi ra tới ngân hàng rút tiền tiết kiệm, mở tài khoản chuyển tiền, nhờ sự cảnh giác, chủ động nhận diện dấu hiệu lạ của khách hàng, nhân viên một số chi nhánh ngân hàng đã báo công an, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo ở phút 89.
Ngoài việc mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo nhiều giải pháp để phòng tránh lừa đảo trên mạng.
Phút cuối tránh mất sạch tài sản
Trao đổi với PV VietNamNet, bà P.T.N. (56 tuổi, ở thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội), người suýt bị lừa 260 triệu đồng, kể lại: “Vào khoảng 8h -13h30 ngày 21/6, tôi liên tục nhận cuộc gọi từ số lạ xưng là cán bộ Công an tỉnh Bình Định. Người này nói rằng tôi liên quan đến đường dây buôn bán ma túy số lượng lớn.
Khi nghe điện thoại, người xưng là công an tên Dũng đe dọa đủ kiểu. Người này bắt tôi lấy giấy viết để được tại ngoại ở địa phương, chụp ảnh về lệnh bắt tôi. Sợ quá, tôi làm theo hướng dẫn và ghi 1 trang giấy về nội dung họ yêu cầu.
Tiếp đến, lại có người xưng là đại diện viện kiểm soát hỏi tôi quen biết gì với Công an tỉnh Bình Định mà được bảo lãnh tại ngoại.
Rồi họ hướng dẫn tôi đi đến chi nhánh ngân hàng ở Thị trấn Quảng Oai (huyện Ba Vì) mở tài khoản và yêu cầu tôi không được tắt máy. Tôi vào mở tài khoản thì nhân viên ngân hàng cảnh báo việc tôi có thể bị lừa nhưng do lo sợ và nghe theo lời đối tượng hù dọa phải bí mật nên tôi vẫn mở tài khoản mới.
Sau đó, người xưng là Dũng yêu cầu tôi tới ngân hàng rút tiền. Người này còn giả làm con tôi để nói chuyện với nhân viên ngân hàng nhưng không được đồng ý. Sau đó, đối tượng này lại đe dọa tôi.
"Chỉ đến khi nhân viên ngân hàng gọi giám đốc chi nhánh và công an đến, sau những phân tích, khuyến cáo kỹ lưỡng, tôi mới biết mình bị lừa. Khi công an lấy điện thoại gọi điện cho kẻ tự xưng tên Dũng thì người này đã tắt máy”, bà P.T.N. kể lại.
Qua câu chuyện của mình, bà P.T.N. tự rút ra kinh nghiệm và khuyến cáo: “Mọi người không nghe và tuyệt đối không tin những điều các đối tượng tự xưng là công an, điều tra viên gọi điện thoại nói này nói kia, tất cả đều nhằm lừa đảo hết”.
Tương tự như bà N., ông V.V.A. (69 tuổi, ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) sợ bị bắt nên đến Phòng giao dịch để mở tài khoản chuyển 120 triệu cho kẻ lừa đảo.
Biết chuyện, nhân viên ngân hàng báo cáo lãnh đạo và gọi điện cho công an để phối họp giải thích.
Nhận diện tội phạm công nghệ cao
Xâu chuỗi nhiều chuyên án được triệt phá, Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn – Đội trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM&PCTP) sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, trong quá trình đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, nhiều đối tượng có trình độ công nghệ thông tin rất “siêu”.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, với sự bùng nổ của mạng Internet, các nhóm đối tượng phạm tội trực tuyến hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn và ngày càng quy mô hơn.
Kẻ phạm tội thường hướng tới những người có kiến thức hạn hẹp về công nghệ, người nhiều tuổi… Một khi “sập bẫy”, nạn nhân không chỉ bị lừa mất tình, tiền, tài sản mà còn có thể trở thành “con nợ” bị các đối tượng phạm tội khống chế.
Thượng tá Mai Văn Toàn khẳng định, không giống với các loại tội phạm khác, tội phạm công nghệ cao đều là những đối tượng trẻ tuổi, có trình độ nhất định về công nghệ thông tin và ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh ranh chuyên nghiệp. Vì vậy, có rất nhiều vụ, số bị hại lên đến hàng trăm người với số tiền bị chiếm đoạt hàng chục, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng.
Vì vậy, để “giải mã” được một vụ án, đòi hỏi mỗi trinh sát công nghệ cao phải thu thập tài liệu chứng cứ tỉ mỉ khoa học trên môi trường mạng, từ những dấu vết nhỏ nhất, có vụ khối lượng dữ liệu thu thập cực kỳ lớn (hàng trăm Terabyte mỗi giờ).
Đồng thời, áp dụng đồng bộ khoa học, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành công an và trình độ công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình trinh sát, xác minh cho đến khi bắt giữ, đấu tranh với tội phạm.
Có thể nói rằng, cuộc chiến chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vô cùng gian khó nhưng các trinh sát công nghệ cao vẫn luôn quyết tâm vượt qua để ngăn chặn những tên tội phạm “tàng hình”, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tội phạm học, bản thân người dân cũng phải nâng cao sự cảnh giác và chủ động tiếp cận thông tin để phòng tránh.
Chuyên gia Tội phạm học nhận định, mỗi người khi nhận yêu cầu liên quan đến tiền của những đối tượng tự xưng là "người này, người kia" hãy “chậm lại một nhịp”, để kiểm chứng. Người có tuổi nên kể ngay với con cháu, người thân xung quanh về chuyện xảy ra với mình khi bị đe dọa, khống chế qua điện thoại.
Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an) phân tích: “Người sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội…nếu thiếu kỹ năng tự bảo vệ, hạn chế trong việc cập nhật tin tức, không quan tâm đến thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng, rất dễ trở thành con mồi của tội phạm”.
Để tự bảo vệ, theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, người dân và đặc biệt những người có tuổi cần nâng cao cảnh giác trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay.
Mọi người nên thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, tình hình an ninh trật tự, đọc các khuyến cáo từ cơ quan chức năng đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, mọi người cần có thói quen kiểm chứng thông tin trước khi hành động.
Trước bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến tiền hãy “chậm lại một nhịp”, để kiểm chứng thông qua tra cứu thông tin liên quan trên mạng, nói chuyện với người thân, kiểm tra qua đường dây nóng; không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng hoặc cung cấp cho người lạ.
Nói về khó khăn của việc triệt phá tội phạm công nghệ cao, Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích: Thứ nhất, nạn nhân và đối tượng không gặp nhau, chỉ thông tin qua môi trường mạng. Thứ hai, những tài khoản mà đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến đều là tài khoản ảo, không chính danh, chính chủ, mua bán trên mạng.
Những người vì cần tiền nên đã mang chứng minh thư, căn cước công dân, mua sim điện thoại, sau đó đến ngân hàng để đăng ký mở rất nhiều tài khoản, rồi bán lại cho người mua. "Tội phạm mạng đã sử dụng các tài khoản mua về để chuyển, nhận các khoản tiền phi pháp”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.
Bài 8: Ngân hàng "chặn đứng" các cuộc gọi lừa đảo