Với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà tuyển dụng đã nghĩ đến các quy trình tự động hóa để công việc hiệu quả hơn. Mặt khác, nhân viên lại lo ngại việc bị AI thay thế và mất việc làm. Dù vậy, kịch bản này chưa thể xảy ra vì những lý do dưới đây.
1. AI thiếu EQ
EQ (trí tuệ cảm xúc) là yếu tố quan trọng phân biệt giữa người và máy. Tầm quan trọng của EQ trong môi trường làm việc không thể bị xem nhẹ, đặc biệt khi gặp vấn đề với khách hàng và cần phải xử lý.
Nhu cầu của con người là kết nối cảm xúc với người khác. AI muốn mô phỏng trí tuệ con người nhưng EQ không dễ bắt chước. Đó là vì nó cần sự cảm thông và hiểu biết sâu sắc trải nghiệm của con người, nhất là nỗi đau, sự đau khổ. AI không biết đau. Vì vậy, bất kể AI được lập trình tốt đến đâu, để phát triển cảm xúc với máy móc rất khó.
2. AI không biết thích ứng
Nếu dữ liệu nhập vào liên quan đến lĩnh vực mới, hay thật toán của chương trình không bao gồm tình huống khó lường trước, AI sẽ trở nên vô dụng. Những tình huống này rất phổ biến trong ngành sản xuất và công nghiệp. Những người phát triển AI luôn tìm cách “chữa cháy” tạm thời. Mong muốn AI thích ứng với mọi hoàn cảnh là điều khó xảy ra.
Khả năng lý luận và sức mạnh của bộ não để phân tích, sáng tạo, ứng biến, điều động và thu thập thông tin không thể dễ dàng được AI sao chép.
3. Sáng tạo hạn chế
Khi phải “động não” ý tưởng và phương pháp làm việc, AI thiếu sự sáng tạo của con người vì chỉ làm việc dựa trên dữ liệu tiếp nhận. Nó không thể nghĩ ra cách làm mới, phong cách mới và bị hạn chế ở những mẫu có sẵn.
Nhà tuyển dụng và nhân viên hiểu rõ tầm quan trọng của sáng tạo trong công việc. Sáng tạo là nền tảng của sự đổi mới. Con người có thể mở rộng suy nghĩ, lấy thông tin từ các nguồn khác nhau và đưa ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp dù không có nhiều dữ liệu.
4. AI không có kỹ năng mềm
Kỹ năng mềm là điều mọi nhân viên phải có. Chúng bao gồm làm việc nhóm, khả năng để ý đến chi tiết, tư duy sáng tạo, giao tiếp hiệu quả, năng lực diễn giải… Mọi ngành nghề đều cần kỹ năng mềm và bạn phải phát triển kỹ năng mềm để thành công. Tuy nhiên, đây là điều xa lạ với AI, đơn giản vì chúng không biết suy luận và không có EQ.
5. Con người làm ra AI
Nếu thiếu con người, không thể có AI. Con người đã sáng tạo ra AI, viết các dòng code để phát triển nó. AI hoạt động nhờ dữ liệu mà con người nạp vào và chính con người sử dụng AI. Khi các ứng dụng AI tiếp tục phát triển, dịch vụ liên quan cũng nhiều hơn, chẳng hạn thiết kế quy trình, vận hành, duy trì…
6. AI bổ trợ, không cạnh tranh với con người
Các ứng dụng AI chắc chắn sẽ được ứng dụng ngày một rộng rãi tại nơi làm việc và làm thay con người nhiều việc. Dù vậy, nó thường là công việc lặp đi lặp lại, không đòi hỏi phải tư duy, lý luận. Môi trường làm việc thay đổi sẽ dẫn đến những vai trò mới cho con người.
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, máy móc có khả năng AI sẽ thay thế 85 triệu việc làm vào năm 2025 nhưng ngược lại, 97 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra nhờ vào AI. Các tổ chức cấp tiến sẽ nghĩ cách dùng AI để hỗ trợ con người đạt năng suất cao hơn, thay vì muốn thay thế nhân viên bằng AI.
7. AI cần được kiểm tra tính chính xác
Một vấn đề lớn với các chatbot AI như ChatGPT là chúng thường không chính xác và cần được con người kiểm tra lại. Dù học hỏi nhanh chóng, AI thiếu nhận thức chung, không có khả năng suy luận về các sự kiện như con người. Đó là lý do nên tránh hỏi chatbot AI một số điều nhất định.
Nhìn chung, AI không phải là thứ nên lo sợ. Thay vào đó, bạn phải nâng cấp bản thân để không bị AI thế chỗ như cập nhật xu hướng mới nhất trong lĩnh vực của mình, luôn sáng tạo và đổi mới. Bằng cách đó, sẽ không ông chủ nào muốn mất một nhân viên như bạn.
(Theo Make Use Of)
Google âm thầm loại bỏ dự án chatbot AI cho Gen ZCó tên “Bubble Characters”, chatbot AI của Google có thể trò chuyện với giới trẻ và thậm chí đưa lời khuyên cho họ.