Lời toà soạn Với việc dữ liệu được ví như “vàng”, thời gian qua tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tại Việt Nam diễn ra phổ biến, công khai và có hệ thống. Thậm chí, nhiều dữ liệu về thông tin cá nhân bị rao bán công khai trong thời gian dài. Mặc dù ngày 1/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, thế nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Phóng viên VietNamNet đã phát hiện ra một kho dữ liệu lớn về thông tin cá nhân được bán công khai trên Telegram, xin chuyển đến độc giả thông tin về hoạt động này.
Lần theo một bài viết trên mạng xã hội về tra cứu thông tin thuê bao tự động, PV VietNamNet đã phát hiện ra hoạt động mua bán một cách công khai thuê bao di động của các nhà mạng trên nền tảng Telegram.
Năm 2021, trên một mạng xã hội trong nước đã xuất hiện bài viết có chủ đề “Bot (người máy) tìm chủ thuê bao từ số điện thoại”. Theo giới thiệu, người dùng chỉ cần nhập số điện thoại sẽ tìm ra thông tin chủ thuê bao và cả Facebook của họ. Đi kèm bài viết là một đường dẫn Telegram giới thiệu bot tra cứu và một group trao đổi thông tin cách tra cứu cũng nằm trên nền tảng này.
Khi PV VietNamNet nhấp vào đường dẫn kết nối, sẽ vào trực tiếp Telegram rồi được dẫn đến một bot tự động có tên “Số Điện Thoại” và bắt đầu tiến hành chat với “bot”. Lúc này, người dùng nhận được các hướng dẫn để bắt đầu tra cứu thông tin bằng các lệnh một cách tự động. Theo đó, bot này sẽ tra cứu được thông tin về Facebook, số điện thoại và danh sách thuê bao di động. Ngoài ra, bot còn cho phép tìm kiếm người theo họ tên, ngày sinh và tỉnh thành.
Dịch vụ tra cứu này có thu phí (nói một cách khác là bán dữ liệu). Tra cứu Facebook sẽ mất 0,001 USD. Các dịch vụ còn lại có giá từ 0,70 - 0,99 USD và cao nhất là 1,25 USD cho gói VIP. Để sử dụng bot có tên “Số Điện Thoại” này, người dùng phải nạp tiền bằng cách chuyển các loại tiền mã hoá đến địa chỉ được đưa ra sẵn.
Tuy nhiên, khi PV làm theo các chỉ dẫn, tiến hành chuyển tiền và thử tra cứu các số điện thoại thì đa phần không ra kết quả.
Trong lúc nghĩ rằng đây là một trò lừa đảo trên mạng để chiếm đoạt tiền người dùng, PV được một tài khoản trên Telegram vào chat và chuyển sang một nhóm khác. Người này cho biết, vào nhóm này tra cứu dữ liệu chuẩn và đầy đủ hơn, khi dữ liệu cập nhật đến tháng 6/2023. Bên cạnh đó, còn được miễn phí lần đầu khi tra cứu Facebook, số điện thoại và MoMo.
Từ nhóm trao đổi, PV được hướng dẫn chuyển qua bot tự động để tra cứu các thông tin ở trên. Tiến hành tra cứu thử một số điện thoại được miễn phí lần đầu, thật bất ngờ khi nó hiện đầy đủ thông tin từ họ tên, loại khách hàng, đối tượng khách hàng, đối tượng sử dụng, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số giấy tờ, ngày cấp, nơi cấp, hộ khẩu, thời gian cập nhật, thời gian hợp đồng, địa điểm giao dịch, nơi đăng ký, điện thoại điểm giao dịch, ngày sử dụng, thanh toán và nhà mạng...
Tiếp tục tra cứu thông tin về tài khoản MoMo qua số điện thoại, chúng tôi cũng nhận được thông tin đầy đủ về tài khoản như tên người dùng, email, trạng thái xác nhận email, ngày sinh, địa chỉ và số giấy tờ cá nhân.
Bot tự động này bên cạnh cho phép tra cứu thông tin thuê bao, còn cho phép tra cứu thông tin về tiền điện, từ số điện thoại ra biển kiểm soát xe ô tô và ngược lại. Đáng chú ý, bot còn cung cấp gói VIP cho phép người mua tra thông tin của số định danh ID và tìm kiếm thông tin theo tên, năm sinh và địa chỉ.
Để tra cứu thông tin người dùng sẽ trả mức giá từ 0,7 - 0,99 USD. Các gói VIP từ 1 đến 5 bắt đầu bằng VIP1 từ 50 USD - 199 USD. Gói cao nhất là VIP5 từ 2.000 USD trở lên. Riêng tra cứu thông tin Facebook thì miễn phí.
Với bot tự đồng này, người dùng có thể chuyển tiền trực tiếp bằng tài khoản ngân hàng bên cạnh tiền mã hoá. Theo đó, bot sẽ cung cấp cho mỗi tài khoản người dùng một QR-Code để chuyển tiền. Khi người dùng tiến hành quét mã chuyển khoản đến tài khoản ngân hàng sẽ hiện ra một số tài khoản của ngân hàng MB Bank, khi chuyển tiền xong ngay lập tức tiền được gửi vào tài khoản để tra cứu bot ở dạng USD.
Ngay sau đó, người dùng có thể tiến hành tra cứu các số điện thoại của cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone. Kết quả các thông tin thuê bao được trả về gần như chính xác với thông tin người dùng, như tên, tuổi, địa chỉ, ngày sinh.... Tuy nhiên, theo quan sát các số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, trong thông tin của các thuê bao là số cũ.
Bên cạnh việc tra cứu số điện thoại, phía bot còn cung cấp thêm một dịch vụ là tra cứu realtime với admin. Theo đó, chỉ cần có số căn cước công dân sẽ tra cứu được hộ khẩu, bảo hiểm xã hội, PC-Covid, bảo hiểm y tế, điện máy xanh, thế giới di động, bách hoá xanh, tra thông tin doanh nghiệp ra nhân viên công ty. Theo giới thiệu, các thông tin tra cứu là trực tiếp từ hệ thống, mới nhất.
PV sau khi trao đổi với admin (một tài khoản Telegram khác) để nhờ tra cứu hộ khẩu thông qua căn cước công dân (CCCD) của một người, việc này được thực hiện khá lâu (hơn 1 ngày), khi tra cứu được tài khoản telegram này yêu cầu người dùng chuyển tiền cho mình bằng tiền mã hoá. Khi nghi ngờ về việc chuyển tiền trước, người này còn mạnh miệng bảo mình đã tạo group công khai như vậy thì còn lo gì là lừa đảo. Kết quả chúng tôi đã nhận được một tờ thông tin đầy đủ về hộ khẩu gia đình và sau khi đối chiếu với người đã cung cấp CCCD cho thấy thông tin về hộ khẩu là hoàn toàn chính xác. Đồng thời, admin này cũng cho biết, dữ liệu hộ khẩu chỉ tra cứu được bằng CCCD, còn chứng minh thư cũ không thể tra được.
Hiện bên cạnh bot, group trao đổi việc mua bán thông tin cá nhân trên Telegram đã có hơn 5000 người tham gia và số lượng vẫn đang tăng lên trong những ngày qua, việc trao đổi thông tin đều được thực hiện qua bot chat tự động.
Quốc Trung
Bài 2: Dữ liệu có thể bị rò rỉ từ một kho nào đó rất lớn