“Cuộc cách mạng” trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây nguy hiểm cho hơn 1/4 số việc làm trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 thành viên, tổ chức này cảnh báo trong một báo cáo được công bố hồi cuối tuần trước.
Các công việc có thể bị thay thế bởi AI chiếm 27% lực lượng lao động ở các quốc gia OECD, trong đó các quốc gia Đông Âu tiếp xúc nhiều nhất với tự động hóa, tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết trong Triển vọng việc làm năm 2023.
OECD là một khối gồm 38 thành viên, chủ yếu bao gồm các quốc gia giàu có nhưng cũng bao gồm các nền kinh tế mới nổi như Mexico và Estonia.
Theo OECD, mặc dù hiện tại có rất ít dấu hiệu cho thấy AI có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể cho thị trường lao động, nhưng nhiều công việc đối mặt với nguy cơ vì “cuộc cách mạng” đang ở giai đoạn đầu này.
Các vị trí có thể bị thay thế bởi tự động hóa được định nghĩa là sử dụng hơn 25 trong số 100 kỹ năng và khả năng mà AI có thể thay thế.
"Trí tuệ nhân tạo cuối cùng sẽ tác động như thế nào đến người lao động tại nơi làm việc và liệu lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không, sẽ phụ thuộc vào các hành động chính sách mà chúng ta thực hiện", hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho hay.
Ông Cormann nói thêm rằng: “Các chính phủ phải giúp người lao động chuẩn bị cho những thay đổi và hưởng lợi từ những cơ hội mà AI mang lại”.
Hồi tháng 3, Goldman Sachs đã dự đoán rằng AI tạo sinh như ChatGPT có thể thay thế tới 300 triệu công việc toàn thời gian trên toàn thế giới. Ngân hàng đầu tư lập luận rằng công nghệ này có thể tạo ra vật liệu mới một cách độc lập, đại diện cho “một tiến bộ lớn với những tác động kinh tế vĩ mô tiềm năng lớn”.
Theo ước tính của Goldman Sachs, khoảng 2/3 công việc ở Mỹ và Châu Âu bị ảnh hưởng với “một số mức độ nhất định từ tự động hóa của AI”, trong khi AI tạo sinh có thể được sử dụng thay thế cho 1/4 công việc hiện tại.
Lấy link