Cần xử phạt bác sĩ viết đơn thuốc không ai đọc được

"Tình trạng chữ viết cẩu thả của các thầy thuốc kiểu này có ngày chữa bệnh thành hại bệnh nhân", một độc giả nêu ý kiến.


Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế hoàn thành đơn thuốc điện tử trước 30/6, nhưng đến tháng 7, vẫn có bác sĩ bệnh viện trung ương viết đơn thuốc khiến người dân và nhân viên nhà thuốc không dịch được. Sau bài viết “Bao giờ hết cảnh không đọc được chữ bác sĩ trên đơn thuốc?”, VietNamNet nhận được rất nhiều ý kiến độc giả về vấn đề này.


Không dịch được đơn, cấp sai thuốc, uống sai liều thì... nguy to!


“Tôi nghĩ đơn thuốc viết tay giờ cũng không còn nhiều, thỉnh thoảng mới gặp, nhưng không phải không có. Nhiều bác sĩ viết tay cũng đẹp, ít nhất là dễ đọc, không hiểu nhầm. Nhưng thật sự là có lúc tôi không dịch ra chữ bác sĩ”, độc giả T.B chia sẻ.


Vị độc giả chia sẻ câu chuyện đi khám dinh dưỡng của chính bản thân hồi tháng 2. “Bác sĩ khám rất thích, kê đơn luôn vào sổ y bạ, hướng dẫn đồ ăn thức uống đầy đủ, nhưng về nhà đọc thì không dịch ra được hết ký tự, may ra hiệu thuốc, dược sĩ họ nhìn thuốc quen nên luận được. Sợ nhất với việc không dịch được đơn là cấp sai thuốc, uống sai liều, thế thì nguy to”, độc giả nêu ý kiến.


Độc giả Thinh Duc cũng cho hay: "Việt Nam có câu sai một ly đi một dặm, nếu tình trạng chữ viết cẩu thả của các thầy thuốc kiểu này có ngày chữa bệnh thành hại bệnh nhân".


Ngoài đề nghị lãnh đạo các bệnh viện cần kiểm tra, nhắc nhở về đơn thuốc, chữ viết cho bác sĩ ngày càng đúng và chân phương hơn, vị độc giả đề xuất “Hãy viết và treo khẩu hiệu 'Nét chữ là nết người' trước các phòng khám của bệnh viện để nhắc nhở các bác sĩ viết chữ kê đơn thuốc cẩn thận.


Trong khi đó, nhiều độc giả bày tỏ cần luật hóa kỹ năng này tránh trường hợp hiểu nhầm, khó hiểu đơn thuốc dẫn đến sai sót, mất thời gian của nhiều người.


Độc giả Phương Nguyễn nêu ý kiến nên có quy chế rõ ràng trong việc chữ viết của cán bộ, bác sĩ... Còn độc giả Nguyễn Trường Thanh cho rằng: "Bộ Y tế chỉ cần quy định xử phạt bác sĩ viết đơn thuốc bằng tay. Mức độ phạt tăng dần cho những lần tái phạm sau thì ngay lập tức, tất cả các nơi khám, chữa bệnh đều sắm máy tính và máy in liền".


“Theo tôi cứ phạt thật nặng trường hợp nào ghi đơn bằng tay, không dịch, không luận ra đươc, từ bệnh viện công tới phòng khám tư nhân”, độc giả T.T nêu quan điểm.


“Rõ ràng Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện từ hạng 3 trở lên sẽ hoàn thành đơn thuốc điện tử trước ngày 31/12/2022; các cơ sở khám, chữa bệnh khác hoàn thành trước 30/6/2023, nhưng đến tháng 7 vẫn có bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương viết đơn thuốc bằng tay khiến dân không dịch ra, nhà thuốc không dịch ra, thì không chấp nhận được”, người này thẳng thắn.


Phạt tiền 1-2 triệu đồng nếu không ghi đầy đủ, rõ ràng tên thuốc

Theo Điều 21 Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc hoặc bệnh án các thông tin về tên thuốc, số lượng, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng thuốc khi kê đơn thuốc theo quy định của pháp luật”.


Theo một số bác sĩ, điều này khó áp dụng vì quy định "không ghi đầy đủ, rõ ràng" khá mù mờ. Về nguyên tắc, đơn thuốc nào cũng ghi đầy đủ các thông tin cần yêu cầu trên. Vấn đề là việc viết tay khiến bệnh nhân khó đọc, khó dịch, nhưng bác sĩ, dược sĩ vẫn dịch ra được thì khó xử phạt.


Đơn thuốc điện tử tránh được những khả năng nhà thuốc vụ lợi, bán thuốc không đúng đơn


Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho hay mô hình lý tưởng tại nhiều nước phát triển, bác sĩ thường có thư ký y khoa tại phòng khám. Khi bác sĩ chẩn đoán, kê đơn cho người bệnh, trợ lý sẽ là người đánh máy, in đơn cho bệnh nhân.


Điều này sẽ giúp bác sĩ tận dụng tối đa thời gian để khám, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tại nước ta, không phải bác sĩ khám nào cũng có điều dưỡng, trợ lý, hỗ trợ việc đánh máy, in đơn thuốc.


Một bác sĩ ngoại khoa công tác tại bệnh viện hạng I của Hà Nội cho hay đặc biệt là với các bác sĩ ngoại, vừa phải đeo găng tay để kiểm tra vết thương, có khi lại thay băng, vệ sinh hộ bệnh nhân, rồi lại tháo găng tay ra bàn kê đơn thuốc, thì vất vả cho bác sĩ.


Tại hầu hết cơ sở y tế, phần lớn đơn thuốc đều đã được đánh máy, in ra. Nhưng nếu chỉ có đơn thuốc đánh máy chưa phải là hoàn thành đơn thuốc điện tử mà mới là "yêu cầu tối thiểu", hỗ trợ quá trình viết đơn.


Đơn thuốc điện tử bao gồm việc máy hỗ trợ trong quá trình ra quyết định chọn thuốc kê đơn của thầy thuốc, máy hỗ trợ trong quy trình viêt đơn, chuyển đơn thuốc đến hiệu thuốc, hỗ trợ trong lưu trữ đơn...


Đơn thuốc điện tử được soạn trên phần mềm kê đơn, có phần mềm hỗ trợ danh mục thuốc và xác định tương tác thuốc, liên thông trực tiếp hay qua mã đơn giữa phòng khám và hệ thống nhà thuốc, có hệ thống lưu trữ điện tử.


Bác sĩ Cấp nhìn nhận đơn thuốc điện tử là xu thế và cần thiết, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Ông chia sẻ với đơn thuốc viết tay, đôi khi bác sĩ viết vội, viết tắt, khiến người bệnh không đọc được mà chỉ có dược sĩ đọc được. Đơn thuốc điện tử sẽ giúp tránh được những khả năng nhà thuốc vụ lợi, bán thuốc không đúng đơn…


Xúc động thư cảm ơn bác sĩ cứu cô bé 13 tuổi nguy kịch vì đuối nước

Xúc động thư cảm ơn bác sĩ cứu cô bé 13 tuổi nguy kịch vì đuối nước

“7h30 sáng ngày 1/7, bầu trời bất chợt bừng sáng. Tảng đá lớn đè nặng tôi đã được lấy xuống, bầu trời đã xanh trở lại. Ngày hôm ấy, em gái tôi đã tỉnh lại!”, người nhà bệnh nhân viết. Cả nước chỉ có 700 bác sĩ hồi sức cấp cứu: Vì sao nên nỗi?

Cả nước chỉ có 700 bác sĩ hồi sức cấp cứu: Vì sao nên nỗi?

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng thiếu nhân viên y tế vẫn chưa thể giải quyết. Nhiều cử nhân điều dưỡng tới làm việc nhưng lại "quay xe". Người nào lâu được thì được một tháng là bỏ việc, không hồi âm.