Các nhà sản xuất chip toàn cầu quyết bấu víu vào Trung Quốc

Dù hoạt động tại Trung Quốc ngày một khó, việc làm ăn ở đây vẫn vô cùng quan trọng với sự sống còn của các nhà sản xuất chip thế giới.


Tháng 5, Micron Technologies – nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ - bị giáng một đòn nghiêm trọng do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung. Chính phủ Trung Quốc cấm các công ty hạ tầng quan trọng mua chip của Micron vì không qua được bài đánh giá bảo mật.


Micron cho biết thay đổi này có thể gây thiệt hại gần 1/8 doanh thu toàn cầu của mình. Dù vậy, tháng tiếp theo, hãng vẫn thông báo sẽ tăng cường đầu tư tại Trung Quốc, bổ sung 600 triệu USD để mở rộng một nhà máy đóng gói chip ở Tây An.


Trên mạng xã hội Trung Quốc, Micron khẳng định: “Dự án đầu tư minh chứng cam kết kiên định của Micron với việc kinh doanh và đội ngũ Trung Quốc”.


Micron Technologies dù bị Trung Quốc trừng phạt vẫn tăng cường đầu tư tại đây. (Ảnh: Reuters)

Các công ty bán dẫn toàn cầu ngày càng lâm vào tình thế rủi ro hơn khi mắc kẹt trong “làn đạn” giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngành bán dẫn trở thành chiến trường giữa Washington và Bắc Kinh với các lệnh cấm vận và trừng phạt hai bên đặt ra.


Quan chức Mỹ cho rằng các sản phẩm Mỹ dùng trong chương trình giám sát và quân sự Trung Quốc xung đột với lợi ích quốc gia của Mỹ. Chính quyền Mỹ ban hành các quy định ngày một khắc nghiệt với các loại chip, thiết bị sản xuất chip có thể xuất khẩu sang Trung Quốc và đưa ra những chương trình mới, bao gồm trợ cấp và tín dụng thuế, đối với các nhà sản xuất chip lựa chọn xây dựng nhà máy trên đất Mỹ.


Song, phải mất vài năm để xây dựng nhà máy. Trung Quốc vẫn là thị trường chip lớn vì đây là quê hương của nhiều nhà máy sản xuất chip và sản phẩm liên quan, bao gồm smartphone, máy rửa bát, xe hơi, máy tính. Tất cả đều được xuất khẩu ra toàn cầu và được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ.


Xét chung, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 doanh số bán dẫn thế giới. Đối với một vài hãng chip, quốc gia này phụ trách 60% đến 70% doanh thu. Ngay cả khi chip được sản xuất tại Mỹ, chúng thường được gửi đến Trung Quốc để lắp ráp và kiểm tra.


Emily S. Weinstein, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An toàn và Công nghệ mới nổi, nhận xét: “Chúng ta không thể chỉ bật công tắc và đột nhiên yêu cầu tất cả phải mang mọi thứ ra khỏi Trung Quốc”.


Sự phụ thuộc của ngành bán dẫn vào Trung Quốc cho thấy mối quan hệ kinh tế gần gũi nhưng gây tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh mang đến thách thức cho cả đôi bên. Điều đó được phản ánh trong chuyến công tác Trung Quốc mới nhất của Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet L. Yellen.


Bà chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc đưa ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng trong sản xuất chip và gợi ý những hành động này là lý do chính quyền ông Joe Biden muốn giảm lệ thuộc của các nhà sản xuất Mỹ vào Trung Quốc. Song, bà nhấn mạnh quan hệ Mỹ - Trung là chiến lược và quan trọng.


Mỹ đã tăng cường đầu tư vào sản xuất bán dẫn trong nước. Cuối năm nay, Bộ Thương mại dự định giải ngân vốn để giúp các công ty xây nhà máy chip trong nước. Tuy nhiên, nó đi kèm ràng buộc các doanh nghiệp sử dụng vốn phải ngừng mở rộng nhà máy sản xuất chip công nghệ cao tại Trung Quốc. Theo New York Times, chính quyền cũng cân nhắc các biện pháp cấm vận khác, bao gồm hạn chế bán chip tiên tiến dùng trong AI, hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc dùng dịch vụ đám mây của Mỹ và hạn chế đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực chip Trung Quốc.


Nhật Bản và Hà Lan, hai quốc gia sản xuất thiết bị sản xuất chip cao cấp, cũng áp đặt hạn chế mới với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đã đưa ra biện pháp riêng, bao gồm hạn chế xuất khẩu hai kim loại dùng trong sản xuất chip.


Giữa lúc quy định siết chặt và các chương trình ưu đãi mới từ Mỹ, châu Âu, doanh nghiệp chip toàn cầu đang nhìn ra ngoài Trung Quốc để lựa chọn địa điểm đầu tư tiếp theo. John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn, cho rằng căng thẳng leo thang đe dọa nghiêm trọng đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp Mỹ.


“Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới. Các công ty của chúng ta đơn giản cần phải kinh doanh tại đây để tiếp tục phát triển, đổi mới và đi trước đối thủ. Chúng tôi kêu gọi các giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, tránh thiệt hại vô tình và kéo dài đến ngành chip, ngăn chặn leo thang trong tương lai”, ông nói.


(Theo NYT)


Ấn Độ tham vọng sản xuất con chip đầu tiên vào cuối năm 2024

Ấn Độ tham vọng sản xuất con chip đầu tiên vào cuối năm 2024

Với nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng công nghệ, Ấn Độ tiết lộ mong muốn sản xuất con chip nội địa đầu tiên trong vòng 18 tháng.
Mỹ phản đối Trung Quốc siết xuất khẩu hai kim loại sản xuất bán dẫn

Mỹ phản đối Trung Quốc siết xuất khẩu hai kim loại sản xuất bán dẫn

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden “kiên quyết phản đối” lệnh hạn chế xuất khẩu germanium và gallium - hai kim loại quan trọng trong sản xuất bán dẫn - của Trung Quốc.