Địa phương thứ 8 cấp miễn phí chứng thư số cho người dân
Cổng dịch vụ công của thành phố Đà Nẵng từ khi xây dựng và đi vào hoạt động năm 2019 đã được thiết kế dưới dạng lõi, đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật như thanh toán, ký số, hẹn giờ, định nghĩa eform động … và kết hợp chuyển phát nhận, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Do đó, việc triển khai đã từng bước được đơn giản hóa để bảo đảm hiệu quả cho tổ chức, cá nhân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Theo thống kê của Sở TT&TT Đà Nẵng, đến tháng 5/2023, hầu hết thủ tục hành chính của thành phố đã được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, với 1.797 dịch vụ, chỉ còn khoảng 4,5% thủ tục cung cấp trực tuyến một phần do còn vướng các quy định khác nhau. Bên cạnh đó, đã có 1.635 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, trong đó có sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngày 7/7, Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn Đà Nẵng với Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và 7 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng.
Trao đổi với VietNamNet, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cho biết, thời gian tới các CA sẽ cử cán bộ chủ trì, phối hợp với Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn Thanh niên ở các địa bàn để cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân. Các địa điểm dự kiến tổ chức hoạt động tuyên truyền, cấp chữ ký số cá nhân cho người dân thành phố là tại khu vực một cửa các cơ quan; tại các điểm giao dịch của doanh nghiệp bưu chính, viễn thông; hay trong các buổi sinh hoạt Tổ dân phố, sinh hoạt cộng đồng; tại các hội thảo/tập huấn...
Cần có thêm nhiều dịch vụ sử dụng chữ ký số cá nhân
Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng nêu rõ, thời gian tới, Sở TT&TT Đà Nẵng cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam sẽ phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, giới thiệu về việc ứng dụng các giải pháp ký số từ xa cho người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sử dụng trong các dịch vụ công của thành phố.
Đặc biệt, ngoài chính sách chung là miễn phí sử dụng chữ ký số cá nhân theo hình thức ký số từ xa trên thiết bị di động có thời hạn 12 tháng cho toàn bộ người dân Đà Nẵng, khi sử dụng và giao dịch ký số thủ tục hành chính trên các Cổng dịch vụ công, các CA công cộng gồm VNPT, Viettel, FPT IS, Bkav, Misa, Savis (Trust CA), Nacencomm (CA2) sẽ có những chính sách ưu đãi riêng cho các cá nhân, tổ chức sử dụng giải pháp ký số từ xa để thực hiện các giao dịch trực tuyến khác.
Thời gian qua, các CA công cộng cũng đã đồng hành cùng Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia – NEAC trong việc phát triển chữ ký số cá nhân cho người dân, thông qua các hoạt động hỗ trợ cấp, phát miễn phí chứng thư số cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử. Từ đó, thúc đẩy chuyển đổi nhận thức và định hình thói quen mới của người dân, xã hội trong giao dịch điện tử.
Đến nay, NEAC và các CA công cộng đã phối hợp triển khai cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 8 địa phương gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, TP.HCM, Bình Dương và Đà Nẵng. Tổng số chứng thư số cá nhân đã được cấp là 500.000. Cùng với đó, hiện đã có 21 địa phương tích hợp thành công chữ ký số vào Cổng dịch vụ công.
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ TT&TT, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó giám đốc NEAC nhấn mạnh, chữ ký số là một thành tố quan trọng để thực hiện các giao dịch điện tử. Khi chữ ký số được phổ cập, mọi giao dịch đều có thể được thực hiện trên môi trường điện tử một cách an toàn. Tuy vậy, đại diện NEAC cũng chỉ rõ, hiện môi trường để sử dụng chữ ký số cá nhân còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới các ngành, lĩnh vực cần cung cấp nhiều hơn các dịch vụ để người dân sử dụng chữ ký số cá nhân.
Phổ cập chữ ký số cá nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế sốTheo các chuyên gia, chữ ký số cá nhân giúp giải quyết tất cả các giao dịch điện tử cần xác thực danh tính của người dùng. Vì vậy nó sẽ là thành phần không thể thiếu trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.