Doanh nghiệp chuyển đổi số phải tự chuyển mình, nhảy xuống nước sẽ có phao

Các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số hiệu quả cần phải chuyển mình và hành động, sẽ được hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, hiệp hội và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp.


Theo các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2023 - được tổ chức bởi Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cùng các đối tác ngày 6/7 - doanh nghiệp muốn chuyển đổi số phải xây dựng lực lượng tiên phong. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước và các bên cung cấp giải pháp, doanh nghiệp chuyển đổi số không còn phải lo về nền tảng.


Nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số


Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện doanh nhân MVV cho biết: Chuyển đổi số ở đây là thay đổi mô hình kinh doanh và Việt Nam đang ở thời sơ khai nên có thuận lợi lớn. Bởi khi thay đổi thường đi kèm với "nỗi đau", nhưng mới ở giai đoạn ban đầu sẽ ít bị thiệt hại hơn vì lúc này đầu tư vào công nghệ còn ít.


Một lợi thế nữa là hiện có nhiều nền tảng công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Bên cạnh đó là lợi thế về văn hoá khi Việt Nam có dân số đông và người Việt ham cái mới, giỏi toán, tính thích nghi cao.


Ở góc độ chính quyền, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng cho biết, để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số, TP.HCM đã hướng tới một nền hành chính hiệu quả, công khai, minh bạch và hoàn thiện chính quyền số để doanh nghiệp không tốn các chi phí trung gian ngoài khi làm thủ tục.


Các đại biểu tham gia toạ đàm.

Về chuyển đổi số, TP.HCM đã chú trọng cả việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, kể cả chợ truyền thống. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp lớn như VNPT, MISA có các gói giải pháp hỗ trợ miễn phí 6 tháng cho các doanh nghiệp này, sau đó làm các gói dịch vụ với số tiền từ 500 nghìn đến 600 nghìn… Đây là cách để chuyển đổi số đi vào các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiệu quả.


Tiếp lời bà Võ Thị Trung Trinh, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA cho biết, khi cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, MISA cũng đã chia thành các gói nhỏ phù hợp cho quy mô từng doanh nghiệp. Ngoài ra, MISA còn kết hợp với Bộ TT&TT cùng các sở, ngành địa phương đưa ra các chương trình dùng thử từ 3-6 tháng cho doanh nghiệp. Mới đây, công ty đã tiến hành tặng giải pháp văn phòng số cho 10.000 doanh nghiệp, mỗi gói có giá trị 6-7 triệu đồng.


Ở khía cạnh tài chính, ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc cao cấp phân khúc kinh doanh - Khối khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng Techcombank chia sẻ, hiện ngân hàng này đã miễn phí giao dịch cho các doanh nghiệp trên nền tảng, tiến hành tặng các gói quản trị doanh nghiệp, tặng chữ ký số, nhằm thúc đẩy khách hàng nhanh chóng dịch chuyển sang môi trường số. Về phần tín dụng, Techcombank và MISA cùng phối hợp giải ngân gói 10.000 tỉ tín chấp trên nền tảng MISA cho các doanh nghiệp và hỗ trợ gói 30.000 tỉ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các gói tín chấp.


Ngoài ra, ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó chủ tịch Ban chuyển đổi số doanh nghiệp VINASA thông tin thêm: Hiện các hiệp hội sẵn sàng cung cấp các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cung cấp các chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số để giúp xây dựng lực lượng tiên phong…


"Nhảy xuống nước sẽ có phao"


Trước những thuận lợi cho doanh nghiệp như trên, ông Nguyễn Hùng Sơn cho rằng, doanh nghiệp phải tự chuyển mình và nhanh chóng hành động, cứ "nhảy xuống nước sẽ có phao đưa ra". Bởi giờ đây đã có sự hỗ trợ của chính quyền, của các hiệp hội, tổ chức tài chính và từ các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, đặc biệt là các gói dịch vụ miễn phí.


Nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số được doanh nghiệp cung cấp miễn phí.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện doanh nhân MVV cũng cho rằng, chuyển đổi số về bản chất là làm sao để doanh nghiệp kiếm được tiền và tiết kiệm được tiền. Khi chuyển đổi số, không ai là chuyên gia cả vì tất cả mới bắt đầu, doanh nghiệp muốn làm được phải nhảy xuống nước, vừa làm, vừa học, vừa chuyển đổi.


Để chuyển đổi số thành công thì dẫn dắt sự thay đổi trong doanh nghiệp luôn là người lãnh đạo. CEO phải đi học, xây dựng đội ngũ hạt nhân. Hiện có rất nhiều chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, tổ chức quốc tế, thậm chí là từ các doanh nghiệp và không có gì học nhanh bằng trực tiếp bắt tay vào làm.


Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng nhấn mạnh, dẫn dắt chuyển đổi số là của chủ doanh nghiệp, vì thế chủ doanh nghiệp cần nâng cao tuyên truyền nhận thức cho doanh nghiệp của mình.


Chuyển đổi số: Nhận thức và tư duy vẫn là thách thức lớn

Chuyển đổi số: Nhận thức và tư duy vẫn là thách thức lớn

Các giải pháp công nghệ của Việt Nam hoàn toàn không thua kém thế giới trong việc giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Tuy nhiên, câu chuyện về nhận thức và tư duy vẫn là thách thức lớn.
Doanh nghiệp muốn cạnh tranh đều phải dựa trên dữ liệu

Doanh nghiệp muốn cạnh tranh đều phải dựa trên dữ liệu

Đây là nhận định của ông Trần Tịnh Minh Triết, đến từ SAP Việt Nam, xoay quanh vấn đề dữ liệu của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số.