Năm nay, LG có 4 dòng TV OLED mới là A, C, G và Z. Trong đó, mẫu LG G3 được đánh giá là dòng TV cao cấp tổng hòa hoàn hảo giữa giá bán và chất lượng, mang đến nhiều nâng cấp so với mẫu G2 cũ và C3 cấp thấp hơn. Nếu như bạn đã từng được trải nghiệm chất lượng “đỉnh” của 2 mẫu này thì chắc chắn G3 sẽ gây ấn tượng nhiều hơn nữa.
TV G3 vẫn có thiết kế viền và thân siêu mỏng nhưng vô cùng cứng cáp với khung kim loại bên trong. Nếu treo lên với khung chính chủ từ LG sẽ bám sát vào tường chứ không lồi ra ngoài.
Phiên bản 55 inch đi kèm chân đế nhưng bản 65 và 77 inch sẽ có giá treo.
Tấm nền OLED evo sáng hơn đến 70%
Theo thông số kĩ thuật, màn hình này vẫn sử dụng công nghệ tấm nền OLED evo, độ phân giải 4K nhưng năm nay đã được tích hợp thêm 1 công nghệ mới gọi là MLA - Micro Lens Array. Cụ thể, trên tấm nền WOLED vốn đã có độ sáng cao giờ có thêm 1 lớp vật liệu chứa hàng chục tỷ thấu kính siêu nhỏ. Thấu kính này giúp hội tụ ánh sáng phát ra từ các pixel, tăng độ sáng mà không hề làm ảnh hưởng đến khả năng hiển thị màu sắc, giảm góc nhìn hay tốn thêm điện năng vì về cơ bản, lớp pixel không cần tăng công suất phát sáng.
Kết quả là chúng ta có 1 chiếc TV OLED với hiệu suất phát sáng cao vượt trội, theo LG thì đạt đến 1500 nits, hơn đến 70% so với thế hệ OLED evo cũ. Dùng thực tế, mức chênh lệch độ sáng này hoàn toàn có thể thấy rõ. Các nội dung HDR với ánh sáng mạnh đôi khi còn rất chói, cảm giác như nguồn sáng thật sự phát ra từ màn hình chứ không phải chỉ là hiển thị lại hình ảnh.
Khả năng hiển thị màu đen sâu hoàn toàn vẫn là ưu điểm lớn nhất khi dùng TV OLED. Đặc biệt là màu sắc vô cùng ấn tượng, dù đậm đà nhưng vẫn không bệt, thể hiện rõ từng chi tiết và từng mức đậm nhạt của 1 sắc màu, tạo hình ảnh thực tế hơn, không hề "quá lố".
Điều này mang lại cực kì nhiều lợi ích như cho cảm giác hình ảnh chân thực hơn và đặc biệt là hạn chế bị phản chiếu khi đặt TV trong phòng nhiều nguồn sáng nền. Nếu như chiếc TV C3 thường phải tắt đèn và che bớt ánh sáng xung quanh để xem thoải mái hơn thì G3 gần như không cần nữa. Chỉ những khung hình quá tối mới thấy khó nhìn và cần giảm bớt ánh sáng.
Ngoài ra, âm thanh cũng là điểm cộng của TV LG G3 với hệ thống loa công suất tổng 60W. Chất âm dày dặn, trầm ấm và chi tiết cao dù thân TV rất mỏng. Các chế độ âm thanh như Cinema hay Âm nhạc có tăng nhẹ chất âm bằng cách chỉnh lại EQ và thêm hiệu ứng âm thanh vòm để phù hợp từng nhu cầu, nhưng thực tế thì chỉ cần để ở chế độ cơ bản thôi đã đủ hay rồi.
Trải nghiệm LG G3 OLED evo mới.
Nói về âm thanh vòm, năm nay dòng TV mới có thể giả lập hệ thống loa 9.1.2 nhờ AI Sound Pro. Nếu muốn trải nghiệm âm thanh vòm chân thực nhất, bạn cần sắm thêm các bộ loa thanh của LG và bật chế độ WOW Orchestra, kết hợp cả loa TV và Soundbar/Subwoofer/loa vệ tinh để cho hiệu ứng rộng mở hơn bao giờ hết.
Nền tảng WebOS đa năng hơn
Giao diện của phiên bản WebOS 23 không khác nhiều so với trước đây nhưng mới được cập nhật thêm vài thứ mới, cụ thể là Quick Cards - tổng hợp lại các tính năng liên quan đến nhau. Ví dụ như thẻ Music tích hợp trình phát nhạc và các chế độ liên quan đến âm thanh, thẻ Sports là các tính năng theo dõi thông tin, xem thể thao hay đặc biệt là thẻ Home Office trang bị đầy đủ các tính năng để biến TV thành cỗ máy làm việc tại nhà.
Các tính năng Quick Cards mới tổng hợp những chế độ và ứng dụng hay dùng nhất theo nhu cầu, từ xem thể thao, nghe nhạc, làm việc đến chơi game hay điều khiển nhà thông minh.
Bạn có thể truy cập trực tiếp vào các ứng dụng như Google Drive, Gmail, Keeps, Facebook Messenger, Office 365… hay thậm chí là dùng Remote PC, điều khiển máy tính Windows qua mạng internet. Vì chất lượng hình ảnh cao, màu sắc chính xác nên việc duyệt web, soạn văn bản hay chỉnh sửa hình ảnh và video đều rất ổn.
Bạn có thể kết nối với máy tính Windows thông qua Remote PC để xử lý công việc từ xa.
Ngoài độ sáng, LG cũng trang bị nhiều tính năng phần mềm để giải quyết các vấn đề thường thấy trên màn hình OLED, đặc biệt là lưu ảnh (burn-in). Trong menu cài đặt, bạn sẽ thấy có mục gọi là OLED care, bao gồm các tùy chọn để TV tự động tối ưu hóa các nội dung hiển thị nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tuổi thọ tấm nền.
LG trang bị sẵn tính năng chăm sóc tấm nền OLED để kéo dài tuổi thọ cho TV.
Ngoài ra còn có tính năng tùy biến hình ảnh theo gu của người dùng. TV sẽ đưa ra các gợi ý hình ảnh để bạn chọn những cái đẹp nhất rồi tự tinh chỉnh hình ảnh theo đó.
Gamer cũng vẫn được LG ưu ái khá nhiều với hàng loạt tính năng hỗ trợ chơi game, từ tần số quét 120Hz, 4 cổng HDMI 4.1, ALLM (tự động giảm độ trễ), VRR (tần số quét biến thiên), chống xé hình Nvidia G-Sync và AMD FreeSync Premium. Độ trễ đầu vào thông thường là 16ms nhưng có thể giảm còn 10ms với Boost Mode. Menu Game Optimizer cũng được giữ lại để người dùng nhanh chóng tinh chỉnh các tính năng cần thiết nhất khi chơi game.
Chế độ Art Gallery cho phép tải về các tác phẩm nghệ thuật rồi đặt làm hình nền chờ. Tuy nhiên, dù độ sáng cao và màu sắc đẹp thật nhưng vì không có lớp phủ nhám chống chói nên trông TV G3 không giống khung tranh thật cho lắm.
Kết: TV OLED 4K hoàn hảo bậc nhất hiện nay
Đúng là dòng G3 năm nay cảm giác không khác nhiều so với dòng G2 năm ngoái nhưng nó lại đem đến trải nghiệm thực tế vượt trội hơn. Chỉ với độ sáng tăng cao mà hình ảnh cũng ấn tượng hơn nhiều trong khi giữ được thiết kế mỏng manh sang chảnh cùng giao diện phần mềm đa năng, nhiều tiện ích và chất lượng âm thanh rất tốt.
Có thể nói, LG G3 sẽ không hoàn toàn thay thế G2 của năm ngoái mà sẽ nằm ở phân khúc giá cao hơn, là lựa chọn mới cho những ai cần TV có độ sáng cao hơn. Nếu quan tâm, bạn có thể xem thêm thông tin, giá và đặt mua TV LG G3 OLED mới qua link phía dưới.
[Box thông tin shop] - gk lg g3 oled
Lấy link