Thách thức lớn với chuyển đổi số Việt Nam là nhiều dữ liệu không mở

Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần thúc đẩy các nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích các nền tảng chia sẻ trong kinh tế.


Ngày 5/7, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức diễn đàn chủ đề “Kiến tạo giá trị từ Chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI”. Được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, diễn đàn là hoạt động quan trọng trong chương trình “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.


Diễn ra trong bối cảnh năm 2023 được chọn là “Năm dữ liệu số quốc gia”, diễn đàn hướng tới góp phần nâng cao nhận thức, hình thành năng lực tư duy dữ liệu cho các nhóm đối tượng đang triển khai chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.


Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, diễn đàn là hoạt động quan trọng của chương trình “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia”. (Ảnh: Đăng Khoa).

Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, chương trình “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia” được hình thành nhằm hưởng ứng và thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số.


“Chương trình nhằm giúp cộng đồng xã hội nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái chuyển đổi số - góp phần hình thành hệ sinh thái số quốc gia, chia sẻ và tìm giải pháp cho những vấn đề và thách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hiệu quả hơn”, ông Vũ Kiêm Văn cho hay.


Chia sẻ quan điểm về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, trong bối cảnh hiện thực còn nhiều hạn chế, rào cản và khó khăn, những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ, Bộ TT&TT thời gian qua để thúc đẩy chuyển đổi số là rất đáng ghi nhận.


Ông Lê Nguyễn Trường Giang nhận định, đa phần các nền tảng, dữ liệu vẫn đang cục bộ. (Ảnh: Đăng Khoa).

Qua kiểm nghiệm lý luận về chuyển đổi số tại thực tiễn ở hơn 20 tỉnh, thành trên toàn quốc từ năm 2022 đến nay, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức.


Rào cản lớn đầu tiên với chuyển đổi số tại các địa phương là còn chưa huy động được sự đồng thuận, đồng lòng của các bên cùng tham gia. Vì chưa có sự đồng thuận, ai được giao phụ trách chuyển đổi số thì người đó làm, trong khi nhiều người chỉ “làm đối phó, làm cho xong”.


“Để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra thì chúng ta cần phải tập hợp các bên liên quan để cùng đồng hành. Nếu không tạo ra sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị tham gia sẽ rất khó đẩy nhanh tiến trình này”, ông Lê Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.


Bên cạnh việc chỉ ra những thách thức về nhận thức, về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, ông Lê Nguyễn Trường Giang cũng chia sẻ góc nhìn về vấn đề phát triển, sử dụng dữ liệu số. Theo vị đại diện Viện Chiến lược chuyển đổi số, dù hiện nay chúng ta đang khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích các nền tảng chia sẻ trong kinh tế để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; song thực tế hiện nhiều dữ liệu không mở, các nền tảng cũng không mở. Đa phần các nền tảng, dữ liệu vẫn đang cục bộ.


“Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, cần phải tạo ra những cơ chế mở và cách thức mở, chứ không phải là kiến tạo nên những cơ chế đóng, định khuôn và những thước đo phụ thuộc bởi một hay một số tổ chức nhất định”, ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.


Tầm quan trọng của việc phát triển, chia sẻ và mở dữ liệu đã được Bộ TT&TT nhận thức rõ. Để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ cuối tháng 3, Bộ TT&TT đã có kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ.


Với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu quốc gia” tập trung vào 4 nhóm nội dung chủ yếu gồm: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.


Trong trao đổi tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định, trong công cuộc chuyển đổi số, vai trò dẫn dắt của quốc gia là rất rõ nét. Nhiều tư tưởng quốc gia đã được Bộ TT&TT tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có AI.


Nhấn mạnh dữ liệu chính là điểm đột phá của năm 2023 để phát triển AI và trợ lý ảo, đại diện Bộ TT&TT cho hay, từ giờ đến cuối năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tập trung điều phối, tập hợp dữ liệu, phát triển các công cụ gán nhãn dữ liệu và phát huy sự đặc sắc Việt Nam trong gán nhãn dữ liệu để chúng ta có 1 tập dữ liệu tiếng Việt tốt, từ đó phục vụ các doanh nghiệp phát triển các mô hình AI, mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt.


Theo Ban tổ chức, trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả sẽ cùng thảo luận các vấn đề về hành lang pháp lý và chiến lược dữ liệu quốc gia; kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số tại các tập đoàn lớn; xây dựng hệ sinh thái sản phẩm từ chiến lược dữ liệu; tư duy dữ liệu trong kiến tạo giá trị sản phẩm; hình thành năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu; hay việc đảm bảo an toàn toàn dữ liệu...


Thách thức lớn với chuyển đổi số Việt Nam là nhiều dữ liệu không mở Chiến lược quản trị dữ liệu số không thể thiếu khối tư nhânCùng với dữ liệu công, dữ liệu số từ khối ngoài công lập hay khối tư nhân là một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.