Lo ngại "di chứng" chiến tranh
Đạn chùm là đầu đạn chứa nhiều bom nhỏ mà mỗi quả có một đầu đạn riêng lẻ. Loại vũ khí này được phát triển vào cuối Thế chiến II và trở nên phổ biến trong Chiến tranh Lạnh. Để phân biệt với đạn chùm, những quả bom hay đạn pháo thông thường được gọi là đạn đơn nhất.
Lợi ích chiến thuật của loại vũ khí này không cần bàn cãi khi có thể tạo ra nhiều vụ nổ bao phủ một khu vực rộng lớn hơn, có thể được sử dụng tấn công từ xe bọc thép, bộ binh, cho đến các mục tiêu hậu cần hay hệ thống phòng không. Tuy nhiên, tỷ lệ “đạn chết” của bom chùm là vấn đề khiến hơn 100 quốc gia ký tên cấm sử dụng loại vũ khí này trong chiến tranh hiện đại. Chẳng hạn, M270 - hệ thống phóng tên lửa đời cũ hơn so với HIMARS, có thể bắn đầu đạn chứa 644 quả lựu đạn M77, song mỗi lần bắn để lại tới 4% (26 quả lựu đạn) chưa nổ trên mặt đất.
Tỷ lệ này tạo ra mối nguy hiểm tiềm tàng với dân thường nhiều năm sau cuộc chiến. Công ước về Bom, Đạn chùm nghiêm cấm “sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao” loại vũ khí này. Song, Mỹ, Nga, Ukraine là các bên không tham gia ký kết.
Vào tháng 3, Reuters tiết lộ Kiev đã vận động hành lang để Washington chuyển giao bom chùm Mk-20 (Rockeye), một loại vũ khí từ thời chiến tranh Việt Nam. Mỗi quả Rockeye nặng hơn 500 pound ("220 kg), chứa 247 quả bom nhỏ nhưng không tương thích với các loại máy bay hiện tại của Ukraine. Giới quân sự nước này nói rằng, họ có thể tháo rời những đầu đạn trong Rockeye để sử dụng từng quả bom nhỏ làm vũ khí cho máy bay không người lái. Ukraine cũng muốn đạn pháo DPICM 155 mm, chứa 88 quả bom chùm, để phá hủy thiết giáp của Nga.
Cả Ukraine và Nga đều sử dụng rộng rãi loại drone bốn cánh quạt thương mại trong chiến đấu, tải trọng phổ biến là lựu đạn phân mảnh Vog-17 đã được tinh chỉnh, có khả năng diệt bộ binh hiệu quả.
Cải thiện đáng kể khả năng diệt tăng của drone
Trong khi đó, các đơn vị Aerorozvidka của Ukraine sử dụng máy bay không người lái R18 lớn hơn để thả lựu đạn chống tăng RTG-3, nặng khoảng 3 pound ("1,3 kg) do Liên Xô sản xuất hoặc đầu đạn RPG có hiệu quả cao với xe bọc thép. Tuy nhiên, các đầu đạn này lại quá tải trọng của những chiếc drone thương mại tiêu dùng. Drone bốn cánh quạt chỉ có thể sử dụng loại đạn “tự chế” từ lựu đạn M433 40mm của Mỹ, còn được gọi là “trứng vàng” do có phần mũi được đánh dấu màu vàng hoặc các loại lựu đạn thay thế tạm thời khác.
Bên cạnh đó, các drone ở chiến trường Ukraine cũng được trang bị lựu đạn cải tiến với ngòi nổ tác động mới và cánh đuôi in 3D để chúng rơi thẳng, nhưng sự kết hợp này thường không đủ sức mạnh vô hiệu hoá những cỗ xe tăng với lớp giáp dày, cũng như ngòi nổ tác động hoạt động không đáng tin cậy.
Các lực lượng quân sự Ukraine cũng tận dụng những quả bom chùm từ thời Liên Xô để trang bị cho những chiếc drone. Chẳng hạn như PTAB 2,5 chứa 6 đầu đạn nhỏ, được vũ trang cho những chiếc drone ném bom “hạng nặng” hoặc lắp trên những thiết bị bay cảm tử.
Trong khi đó, đạn con nặng 1,2 pound ("0,5 kg) trong bom Rockeye có kích thước phù hợp với các loại máy bay không người lái cỡ nhỏ. Chúng cũng được thiết kế để thả từ trên không, với các cánh khí động học, ngòi nổ tác động và đầu đạn có thể xuyên giáp dày 10 inch ("25 cm).
Tại chiến tranh Iraq, bom Rockeye có tỷ lệ “đạn chết” lên tới 30%, để lại hàng ngàn quả bom nguy hiểm chưa phát nổ trên mặt đất. Nguyên nhân có thể do địa hình tác chiến, khi chúng rơi xuống cát mềm và không đủ lực kích hoạt cầu chì.
Mỹ đang có hàng trăm triệu bom chùm trong kho vũ khí và để tiêu huỷ số này cũng là một thách thức tài chính đáng kể. Gửi viện trợ số đạn chùm này cho Ukraine sẽ là “một mũi tên bắn hai đích”, song động thái cũng có thể làm tổn hại đến nỗ lực “xây dựng liên minh và thúc đẩy thoả thuận kiểm soát vũ khí” của Washington.
(Theo PopMech, Forbes)
Tàu ngầm không người lái tạo ra ‘cách mạng’ với hải quân Mỹ
Tàu ngầm không người lái đang tạo ra "cuộc cách mạng" trong tác chiến hải quân, với sự phát triển của AI và công nghệ in 3D.
Nga - Mỹ ‘hâm nóng’ cuộc đua AI vận hành máy bay chiến đấu
Cuộc đua AI điều khiển máy bay chiến đấu đang được "hâm nóng" khi các cường quốc quân sự Mỹ, Nga liên tục có những cải tiến nhằm tận cụng công nghệ mới nổi trong tác chiến.
Chiến trường Ukraine cho thấy, những mẫu xe tăng hàng đầu thế giới không tạo được dấu ấn với cả hai phe. Nguyên nhân xuất phát từ điểm yếu cố hữu của xe tăng trong tác chiến đô thị, cũng như việc bị lược bỏ nhiều tính năng quan trọng.