Dùng iPhone thích nhất khoản không thiếu phụ kiện ngon - bổ - rẻ, đặc biệt là các miếng dán cường lực. Đã thế còn hay có thêm các loại dán kiểu mới, ví dụ như các mẫu đi kèm khung hay hộp đựng bên ngoài để tự dán lên điện thoại dễ dàng, không cần kinh nghiệm dán cũng làm được tại nhà. Ngoài ra, vẫn có các loại cường lực khác như phủ nhám hay chống nhìn trộm, cong 2.5D hoặc phẳng, dày mỏng khác nhau, có tràn viền không… Vậy thì, nên chọn loại nào tốt nhất? Thử tìm hiểu nhé.
Kính cường lực tự dán
Chúng ta nợ các “pháp sư” của nước láng giềng 1 lời cảm ơn khi đã nghĩ ra loại kính cường lực quá tiện này. Bình thường, nếu không biết dán rất dễ hỏng, nổi bong bóng, kẹt bụi… nên phải mang ra hàng dán. Nhưng, với các loại kính tự dán thì chỉ cần đặt máy vào khung rồi làm theo hướng dẫn vài phút là có ngay miếng dán mới vừa khít, ít lệch, không bụi hay bóng bóng.
Cường lực tự dán cũng chia thành nhiều loại, có loại trong suốt, phẳng hoặc 2.5D, có loại phủ nhám hoặc chống nhìn trộm. Giá cả cũng dao động khoảng từ hơn 100.000đ 1 combo kính và khung đến cả triệu đồng cho các loại chất lượng cực tốt từ thương hiệu lớn. Những chiếc khung nhựa có thể giữ lại để dùng vào các lần sau đó. Nếu mua khung cho iPhone 12 Pro vẫn có thể dùng chung với 13 Pro và 14 Pro, hoặc 12 Pro Max thì dùng chung cho 13 Pro Max và 14 Pro Max vì các máy này có kích thước gần như y hệt.
Dù vậy, vẫn có 1 số người phàn nàn rằng đã bị dán lệch, dán hỏng khi dùng loại này. Một số dòng giá rẻ chất lượng miếng dán cũng không cao. Ví dụ, nếu mua cả combo chỉ khoảng 120.000đ nghĩa là phần kính cường lực chỉ tương đương với các loại giá vài chục nghìn đồng khác.
Kính cường lực phủ nhám
Loại này đã phổ biến từ rất lâu rồi và giờ vẫn được nhiều người tìm mua. Ưu điểm của các loại phủ nhám là chống chói rất tốt, không bị bóng, phản chiếu ánh sáng xung quanh như mặt kính bình thường. Bề mặt phủ nhám này cũng giúp tăng độ trơn khi vuốt màn hình, không bị dính vân tay, mồ hôi gây rít. Vì thế, 1 số loại còn được quảng cáo là hỗ trợ chơi game tốt hơn, cảm ứng mượt hơn.
Tuy nhiên, lớp phủ nhám này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng hiển thị của iPhone, nhất là với các dòng dùng tấm nền OLED mới.
Khi có lớp phủ nhám, ưu điểm màu đen sâu của OLED gần như biến mất, lúc nào cũng có 1 lớp mờ màu xám xịt ám lên trên màn hình. Chất lượng màu sắc và tương phản cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, khả năng hiển thị dưới ánh nắng trực tiếp cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Vì thế, nếu hay dùng điện thoại để xem phim, chỉnh sửa hình ảnh và video hoặc thường xuyên dùng ngoài trời nắng thì không nên dán kính phủ nhám. Nếu hay chơi game trong nhà thì có thể cân nhắc, nhưng nhớ mua loại cao cấp 1 chút để tránh bị bong tróc lớp phủ sau 1 thời gian sử dụng.
Kính cường lực chống nhìn trộm
Loại kính này được ưa chuộng hơn nhiều so với kính phủ nhám. Lớp kính được chế tạo đặc biệt để ánh sáng chỉ xuyên qua theo hướng trực diện, làm giảm góc nhìn của màn hình để chỉ chủ nhân nhìn thấy, người xung quanh sẽ chỉ thấy màu tối đen phủ lên màn hình.
Loại kính này dành cho ai không thích bị nhòm ngó khi nhắn tin, lướt web… Tuy nhiên, nếu kẻ xấu đứng phía sau nhìn vẫn có thể thấy màn hình. Ngoài ra, nhược điểm lớn của nó là làm lệch màu sắc hiển thị và giảm độ sáng của màn hình. Vì thế không phù hợp với người thích xem phim, chỉnh sửa ảnh, video và có thể gây hao pin cũng như ảnh hưởng đến việc sử dụng máy ngoài trời.
Kính cường lực chống ánh sáng xanh
Các loại màn hình điện thoại dù cao cấp vẫn có thể phát ra 1 lượng ánh sáng xanh nhỏ, và 1 tấm kính cường lực loại này có thể ngăn bớt lượng ánh sáng xanh đó đến mắt người dùng mà không ảnh hưởng đến chất lượng hiển thị chung ngoài việc làm màn hình hơi ám vàng nhẹ.
Cường lực chống ánh sáng xanh sẽ hợp với ai có mắt nhạy cảm, dễ nhức, đau mắt hoặc thường xuyên dùng điện thoại trong bóng tối.
Tuy nhiên, các điện thoại hiện nay thường đều đã tích hợp sẵn các chế độ giảm ánh sáng xanh, ví dụ như trên iPhone là True Tone và Night Shift. Vì thế, việc dùng kính cường lực chống ánh sáng xanh thực tế không còn tác dụng đáng kể nữa.
Lấy link