Sigma vừa công bố mẫu lens mới với tiêu cự 50mm, khẩu độ f1.4 siêu lớn dành cho dòng máy full frame E Mount và L Mount. Cùng với đó, Sigma tiếp tục hoàn thiện dòng lens Art series với khẩu độ trải dài từ 20, 24, 35, 50 và 85mm, tất cả đều có cùng phong cách thiết kế, tính năng và khẩu độ f1.4.
Thiết kế cao cấp, có chống văng nước và bụi
Sigma 50f1.4 Art mới mang đậm phong cách thiết kế của Sigma gần đây. Điểm cộng đầu tiên là được trang bị khả năng chống văng nước, lớp phủ đặc biệt hạn chế bám hơi nước ở mặt kính trước và gioăng cao su chạy quanh ngàm giúp người dùng yên tâm sử dụng trong môi trường ẩm ướt hoặc khi có mưa nhỏ.
Trên thân lens có rất nhiều nút bấm hỗ trợ quá trình chụp, từ gạt chỉnh AF/MF, khóa lấy nét, khóa khẩu độ, declick vòng khẩu. Vòng khẩu này vặn khá chắc chắn, cứng tay chứ không lỏng lẻo như các mẫu lens từ Sony. Đi kèm với lens là lens hood cỡ lớn và 1 chiếc túi đựng có lót mút xốp chống sốc ở 2 đầu.
Thân lens có nhiều nút bấm cài đặt nhanh và tính năng tương thích với máy ảnh, đi kèm hood, bao chống sốc và hỗ trợ chống văng nước và bụi.
Chất lượng hình ảnh tiệm cận mức hoàn hảo
Dù có mức giá chỉ bằng ½ các dòng lens 50mm f/1.4 cao cấp nhưng chất lượng hình ảnh mà Sigma mang lại có thể nói là gần tương đương. Độ nét của lens là cực cao ở giữa khung hình, kể cả ở khẩu lớn nhất. Độ tương phản cũng rất tốt, ảnh luôn trong vắt trong hầu hết điều kiện ánh sáng.
Điểm trừ nhỏ đầu tiên là tình trạng tối góc thấy rõ ở mức khẩu độ lớn từ f2.8 đến f1.4. Tuy nhiên, với ai thích chụp ảnh chân dung thì đây không phải vấn đề quan trọng lắm, thậm chí còn có lợi vì sẽ giúp nổi bật chủ thể 1 cách tự nhiên. Bù lại, độ méo ảnh là rất ít và dễ dàng chỉnh sửa lại được trong khâu hậu kì, hoặc bạn hoàn toàn có thể giữ nguyên mà không làm ảnh hưởng nhiều chất lượng ảnh.
Tiêu cự 50mm cực hợp chụp chân dung bán thân, chụp nhóm ít người. Khẩu độ f1.4 đảm bảo xóa phông tốt ở cả khoảng cách đến 2 mét.
Tình trạng viền màu của ống kính này có xuất hiện nhưng không rõ ràng, phần lớn trường hợp đều phải zoom lớn lên soi kĩ mới thấy rõ. Ở các chi tiết chênh sáng mạnh, color fringe vẫn xuất hiện nhưng hoàn toàn có thể xử lý gần như sạch sẽ trong khâu hậu kì, trả lại bức ảnh hoàn hảo về thị giác, kể khả khi chụp ngược sáng. Đây là điểm cộng khá lớn so với chiếc Sigma 85mm f1.4 Art.
Khoảng cách lấy nét rất gần nên lens còn phù hợp để chụp sản phẩm, các vật thể nhỏ. Độ linh động ở khoản này hơn vượt trội các lens tiêu cực 85mm. Ảnh chụp không quá méo mà cũng không quá rộng.
Lấy nét nhanh, bokeh đẹp mắt
Khả năng lấy nét của Sigma 50f1.4 Art tương thích hoàn hảo với các tính năng mới trên dòng máy Sony Alpha. Tốc độ lấy nét rất nhanh và chính xác, ở chế độ AFC thì nhanh và ổn định hơn, tính năng bắt nét khuôn mặt và mắt rất tốt, cộng thêm khả năng lấy nét gần khoảng 45cm nên lens có thể xử lý cả khi cần chụp chân dung cận mặt.
Các vật thể nhỏ và phức tạp như lá cây này cũng có thể lấy nét tự động gần như chính xác đến 95%.
Bokeh của lens ở mức khẩu độ lớn không tròn trịa mà tạo hình mắt mèo thấy rõ đến 70% khung hình. Tuy nhiên, chất lượng của bokeh vẫn rất tốt, trong vắt mịn màng, không bị vân củ hành hay lem nhem.
Lựa chọn đa dụng hợp ví
Tiêu cự 50mm trên máy ảnh fullframe thực ra không hề hiếm. Có rất nhiều lựa chọn khẩu độ đến f1.8 mà giá chỉ rẻ bằng ¼, hoặc có những mẫu giá tương tự nhưng đến từ thương hiệu lớn với vài ưu điểm tốt hơn sản phẩm của Sigma.
Nhưng, cũng như truyền thống từ trước tới nay: Sigma vẫn đem lại trải nghiệm tốt đều, tốt vừa đủ, đáp ứng những nhu cầu cần thiết của người dùng mà không đẩy giá lên quá cao, cụ thể là 20.460.000đ.
1 số lựa chọn khác cùng khoảng tiêu cự với khẩu độ lớn bao gồm Sony FE 50mm f1.8, Viltrox 50mm f1.8, Samyang 50mm f1.4 hay Sony FE 55mm f1.8 đều có giá rẻ hơn nhiều. Nếu sẵn sàng chi nhiều hơn, cụ thể là khoảng gần 50 triệu, bạn có thể lựa chọn Sony FE 50mm f1.2 G.
Mua ống kính:
Lấy link