Theo Space, tàu vũ trụ quỹ đạo Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) vừa chụp được một số hình ảnh mới cho thấy bề mặt địa chất phức tạp của Hành tinh Đỏ.
Cụ thể, hình ảnh cho thấy một số rãnh nứt sâu trên bề mặt Sao Hỏa và cấu trúc địa hình thung lũng ở gần một cao nguyên núi lửa rộng lớn có tên là Thaumasia Planum.
Nhiều khả năng, cấu trúc này được tạo thành do nước chảy xuống sườn núi, và có thể cung cấp cho các nhà khoa học một số manh mối về quá khứ xa xưa của Sao Hỏa.
Các đặc điểm bề mặt ở khu vực này cũng có vẻ rất đa dạng, ESA đánh giá. Cụ thể, chúng bao gồm các đỉnh núi cao nhất cao lên tới 4.500 mét so với khu vực thấp nhất của cao nguyên.
Trong đó, khu vực Thaumasia Planum được cho là đã hình thành vào những ngày đầu tiên của Sao Hỏa, cách đây khoảng 4 tỷ năm. Phần lớn cấu trúc tại đây được tạo thành từ những dòng dung nham khổng lồ bao phủ bề mặt gồm chủ yếu là tro và bụi núi lửa.
Sau quá trình này, những hoạt động kiến tạo và dòng nước chảy đã bắt đầu diễn ra nhiều hơn, tạo nên những đặc điểm địa chất mà chúng ta quan sát thấy ngày nay, ESA nhận xét trong một tuyên bố.
"Đó là một thời kỳ hỗn loạn, với nhiều đặc điểm địa chất nổi bật của Sao Hỏa chỉ mới bắt đầu hình thành", các quan chức của ESA cho biết.
Hoạt động kiến tạo tích cực cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể bên trong lớp vỏ của hành tinh, dẫn đến những vết nứt sâu trên bề mặt, gọi là Nectaris Fossae.
Những vết nứt này trải dài qua phần lớn bức ảnh được chụp, và nhiều khả năng có liên quan mật thiết đến hệ thống hẻm núi Valles Marineris lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, nằm ở phía Bắc của cao nguyên Thaumasia Planum.
Trên ảnh, cũng có thể thấy một số rãnh sâu được các nhà khoa học gọi là Protva Valles. Theo ESA, chúng được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất, với dòng nước đã chảy qua bề mặt Sao Hỏa từ khoảng 3,8 tỷ năm trước, và cắt vào đá trong suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, nguồn gốc của những dòng chảy này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có giả thuyết cho rằng chúng dường như xuất phát ở những độ cao khác nhau, khiến nước có thể đã thấm qua nhiều lớp bên dưới bề mặt của Sao Hỏa.
Mars Express là một nhiệm vụ thăm dò không gian được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) triển khai từ năm 2003, đóng vai trò là nhiệm vụ hành tinh đầu tiên do cơ quan này thực hiện.
Mars Express bao gồm 2 phần, là tàu quỹ đạo Mars Express Orbiter và tàu đổ bộ Beagle 2, chủ yếu được thiết kế để thực hiện nghiên cứu về địa hóa học và sinh học vũ trụ.
Bất chấp việc tàu đổ bộ không thể hạ cánh như mong đợi, tàu quỹ đạo vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học được giao từ đầu năm 2004 cho đến nay, bao gồm chụp lại các hình ảnh có độ phân giải cao và lập bản đồ khoáng vật bề mặt, âm thanh của cấu trúc bề mặt Sao Hỏa.
Sau gần 2 thập kỷ khám phá bề mặt Hành tinh Đỏ, những thông tin được thu thập bởi tàu Mars Express Orbiter đã giúp các nhà khoa học của ESA xác định chính xác sự lưu thông và thành phần khí quyển, từ đó góp phần nghiên cứu sự tương tác của khí quyển Sao Hỏa với các môi trường liên hành tinh.