Great Zimbabwe là thành phố lớn đầu tiên ở phía nam châu Phi, nơi ở của khoảng 18.000 người vào thời kỳ huy hoàng. Giới nghiên cứu chưa biết rõ nguyên nhân khiến siêu đô thị thời Trung Cổ này lụi tàn nhưng một nhóm nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về hệ thống lưu trữ nước giúp thành phố tồn tại trong hạn hán, Science Alert hôm 30/1 đưa tin.
Các chuyên gia đến từ Đan Mạch, Nam Phi, Anh và Zimbabwe cho rằng một loạt hố trũng hình tròn lớn gọi là hố dhaka ở quanh thành phố không phải được dùng để đào đất sét mà dùng để thu thập nước. Ví dụ, nhiều hố dhaka ở chân sườn đồi có thể thu thập nước mưa và nước ngầm. Nhiều hố khác nằm quanh những dòng suối chảy qua thành phố.
Theo nhóm nghiên cứu, bằng cách thu thập nước mưa và dựng rào ngăn một số đoạn sông suối, người dân sống trong thành phố có thể đảm bảo luôn có sẵn nước uống và tưới tiêu nông nghiệp vào phần lớn thời gian trong năm, ngay cả trong mùa khô. Chẳng hạn, nhiều cây cối ở gần dhaka phát triển nhờ nguồn nước sông hoặc nước ngầm giúp duy trì độ ẩm cao trong đất.
Các nhà khoa học thu được phát hiện mới về vai trò của hố dhaka ở Great Zimbabwe nhờ dùng phương pháp quét laser từ trên cao để khảo sát những đặc điểm của di chỉ, thậm chí ở nơi cây cỏ mọc dày. Họ cũng sử dụng kết quả khảo sát mặt đất và trò chuyện với cộng đồng ở địa phương. Việc tính toán lượng nước tất cả hố dhaka quanh thành phố có thể chứa được rất khó khăn, đặc biệt do đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra cấu trúc này. Tuy nhiên, các ước tính chỉ ra hố dhaka có thể lưu trữ hơn 18 triệu lít nước. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Anthropocene.
Vào thời kỳ huy hoàng của Great Zimbabwe từ giữa thế kỷ 11 đến thế kỷ 15, thành phố là nơi ở của tầng lớp quý tộc thống trị, lãnh đạo tôn giáo, thợ thủ công và thương nhân. Hiện nay, lịch sử của Great Zimbabwe vẫn là bí ẩn lớn. Có thể thành phố sụp đổ do biến đổi khí hậu, ngay cả với hệ thống điều phối nước như vậy.
An Khang (Theo Science Alert)