Ảnh chụp do Đài quan sát Trái Đất của NASA chia sẻ hôm 23/1 cho thấy những vệt màu trắng kỳ lạ ở vùng biển ngoài khơi Bahamas vào năm 2015. Hiện tượng đặc biệt này có tên "sự kiện màu trắng", chỉ tồn tại khoảng hai tháng trước khi biến mất. Chúng xuất hiện trong nhiều năm, nhưng lý do chính xác khiến chúng hình thành vẫn là điều bí ẩn làm các nhà khoa học đau đầu. Vệt trắng tồn tại ở nhiều địa điểm từ ngoài khơi Bahamas, vùng Ngũ Hồ, vịnh Ba Tư, ngoài khơi Florida, thậm chí ở hồ Kivu thuộc trung tâm châu Phi.
Mẫu vật lấy từ vùng nước màu trắng hé lộ có mật độ cao hạt canxi carbonate mịn. Nghiên cứu do các nhà khoa học ở Đại học Nam Florida sử dụng hàng nghìn ảnh vệ tinh ở Bahama Banks do vệ tinh Aqua của NASA thu thập từ năm 2003 – 2020 để lập mô hình sự kiện màu trắng trong khu vực đó.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Remote Sensing of Environment số tháng 2/2023, nhà hải dương học Chuanmin Hu mô tả phát hiện diện tích bị ảnh hưởng bởi sự kiện màu trắng tăng mạnh từ khi nghiên cứu bắt đầy, từ trung bình khoảng 25 km2 vào năm 2003 đến 300 – 350 km2 vào năm 2014 và 2015. Ngoài ra, vệt màu trắng ngoài khơi Bahamas có kích thước đa dạng từ 0,1 đến 226 km2 với diện tích trung bình khoảng 2,4 km2.
"Chúng tôi nhận thấy một số quan hệ thú vị giữa các điều kiện môi trường như độ pH, độ mặn của nước, hướng gió và dòng hải lưu, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết chính xác quá trình cơ học, sinh học hoặc hóa học chịu trách nhiệm cho sự kiện màu trắng. Chúng tôi cần tiến hành nhiều thí nghiệm thực địa hơn và kết hợp với nghiên cứu viễn thám để hiểu rõ hơn quá trình hình thành", Hu cho biết.
Giải thuyết về lý do xuất hiện những vùng mật độ canxi carbonate cao bao gồm sự khôi phục trầm tích ở đáy đại dương do dòng hải lưu hoặc hoạt động của sinh vật phù du gia tăng dẫn tới giải phóng lượng canxi carbonate khổng lồ hay số lượng họ tảo Thalassiosira tăng lên trong nước.
An Khang (Theo Newsweek)