Các nhà nghiên cứu phát hiện những chiếc bùa hộ mệnh được đặt bên trên và trong xác ướp của "cậu bé vàng" khi sử dụng ảnh chụp cắt lớp vi tính để khám phá hài cốt bằng công nghệ kỹ thuật số mà không cần tác động vật lý. Xác ướp được phát hiện lần đầu tiên tại nghĩa trang mang tên Nag el-Hassay hoạt động từ năm 332 đến năm 30 trước Công nguyên ở miền nam Ai Cập. Hàng nghìn thi thể đã bảo quản, phần nhiều vẫn nằm trong quan tài nguyên bản, được khai quật ở Ai Cập vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 trước khi chuyển tới Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.
Giống như nhiều xác ướp khác, xác ướp "Cậu bé vàng" không được kiểm tra ngay khi phát hiện và chuyển vào tầng hầm của bảo tàng. Dù các nhà nghiên cứu rất quan tâm tới sức khỏe, nghi thức cúng tế và quan niệm của người Ai Cập cổ đại, gỡ vải quấn xác ướp là quá trình gây hư hỏng. Trong những năm gần đây, giới nghiên cứu dùng ảnh chụp cắt lớp để quan sát xuyên qua lớp vải quấn trong khi thi thể vẫn nguyên vẹn hoàn toàn.
Xác ướp "Cậu bé vàng" nằm trong hai lớp quan tài. Quan tài bên ngoài trơn tru và khắc chữ Hy Lạp trong khi quan tài gỗ bên trong có nhiều họa tiết và gương mặt mạ vàng. Khi nhóm nghiên cứu quét xác ướp, họ phát hiện 49 bùa hộ mệnh với 21 thiết kế khác nhau, bao gồm chiếc lưỡi bằng vàng đặt trong miệng và bọ hung bằng vàng nằm ở ngực, vật mà người Ai Cập cổ đại cho là có thể giúp người chết bước sang thế giới bên kia.
Chàng trai trẻ khoảng 14 – 15 tuổi cũng đeo mặt nạ mạ vàng nạm đá và đồ bảo vệ gọi là cartonnage ở ngang thân. Tất cả cơ quan nội tạng đều bị lấy ra, ngoại trừ tim và bộ não của cậu bé được thay thế bằng nhựa cây.
Người Ai Cập cổ đại cho rằng một cuộc sống khác đang chờ người chết, nhưng để bước sang thế giới bên kia đòi hỏi hành trình nguy hiểm qua địa ngục. Những người ướp xác chịu trách nhiệm chuẩn bị thi thể cho hành trình này và "cậu bé vàng" được trang bị rất đầy đủ, theo nghiên cứu công bố hôm 24/1 trên tạp chí Frontiers in Medicine.
Theo tiến sĩ Sahar Saleem, giáo sư ở Khoa y học của Đại học Cairo, xác ướp trang trí 49 bùa hộ mệnh có thiết kế đẹp mắt, sắp xếp theo 3 hàng giữa những lớp vải quấn và các khoang trong cơ thể. Trong số đó có Con mắt Horus, bọ hung, bùa akhet, nhau thai và nút thắt Isis. Nhiều bùa hộ mệnh làm bằng vàng trong khi một số được chế tác từ đá bán quý, đất sét nung hoặc đồ sứ. Mục đích của chúng là bảo vệ thi thể và mang tới sức mạnh ở thế giới bên kia.
Bùa hộ mệnh lưỡi vàng đặt trong miệng cậu bé sẽ giúp người chết nói chuyện ở thế giới bên kia. Bùa hộ mệnh hình nút thắt Isis tượng trưng cho nữ thần Isis sẽ bảo vệ thi thể. Bùa hộ mệnh hình chim ưng và đà điểu đại diện cho mặt tinh thần và vật chất của đời sống.
Ngoài bùa hộ mệnh, "cậu bé vàng" có đôi sandal trắng đặt ở chân và cành lá dương xỉ quấn quanh thi thể. Đôi sandal có thể hàm nghĩa giúp cậu bé bước ra khỏi quan tài.
Dù ảnh chụp cắt lớp không hé lộ nguyên nhân cái chết, chúng cho thấy cậu bé cao 128 cm, có gương mặt hình oval với chiếc mũi nhỏ và cằm nhọn. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định danh tính cậu bé, nhưng điều kiện vệ sinh tốt, chất lượng xác ướp cao và số lượng bùa hộ mệnh chứng tỏ người chết có địa vị kinh tế xã hội cao.
Bằng cách thu thập dữ liệu thông qua ảnh chụp cắt lớp, các nhà nghiên cứu có thể in 3D bản sao hình bọ cạp. Xác ướp cậu bé vàng được chuyển tới hội trường trưng bày chính của Bảo tàng Ai Cập và sẽ được chụp cắt lớp thêm nữa để giúp giới nghiên cứu hiểu rõ hơn quá trình ướp xác và nghi thức cúng tế của người Ai Cập cổ đại.
An Khang (Theo CNN)